MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đề xuất quy định giờ làm thêm, sinh viên nói không khả thi vì thiếu thực tế

Chân Phúc LDO | 01/04/2024 14:26

TPHCM - Đề xuất giới hạn giờ làm thêm của học sinh, sinh viên đang có nhiều ý kiến trái chiều, trong đó, nhiều sinh viên tỏ ra không hài lòng với đề xuất này.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, trong đó đề xuất giới hạn thời gian làm thêm của học sinh, sinh viên từ 15 tuổi trở lên không quá 20 giờ trong 1 tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ trong 1 tuần trong kỳ nghỉ.

Đề xuất này đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều, trong đó, nhiều sinh viên bày tỏ băn khoăn vì đề xuất này có thể làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt.

Diễm Quỳnh, sinh viên năm 4, Trường Đại học Văn Hóa TPHCM cho rằng, đề xuất này có thể làm xáo trộn đến cuộc sống hiện tại.

Nữ sinh chia sẻ, hiện đang làm PG quảng cáo, giới thiệu sản phẩm tại các siêu thị, trung tâm thương mại ở TPHCM. Công việc của Quỳnh duy trì đều đặn vào mỗi buổi chiều hằng ngày từ 15 - 21h với mức thu nhập 200.000 đồng/buổi, tương đương 6 triệu đồng/tháng. Công việc này Diễm Quỳnh đã làm hơn 1 năm nay.

"Từ năm 3, em thấy thời gian trống khá nhiều nên bắt tìm việc làm thêm, thời điểm ấy tuần nào nhiều thời gian rảnh, em mới đăng ký làm nhưng đến năm tư, khi số môn học ít đi, thời gian rảnh nhiều lên, em đã đăng ký làm cố định cả tuần", Diễm Quỳnh chia sẻ.

Diễm Quỳnh (áo vàng) đang làm việc tại siêu thị. Ảnh: NVCC

Theo chia sẻ của nữ sinh năm cuối, từ ngày làm thêm, gia đình đã không còn phải gửi phụ cấp hàng tháng, cuộc sống của bản thân nữ sinh cũng thoải mái hơn vì đã có thể tự kiếm tiền nuôi sống bản thân ở thành phố.

"Đề xuất này thực sự không phù hợp với em, cũng không phù hợp với quy định công ty em đang làm vì mỗi ca của công ty quy định là 6 tiếng, nếu giảm xuống, công ty cũng không đồng ý. Nên nếu có cấm thì em cũng tìm cách để đi làm", nữ sinh nói.

Tương tự, Minh Hà, nữ sinh năm 4 khác tỏ ra không vui với đề xuất này.

Nữ sinh này cho rằng, sinh viên đại học đã đủ tuổi để nhận thức và chịu trách nhiệm với những hành động, việc làm mà bản thân gây ra.

"Cân bằng giữa việc học và làm thêm là trách nhiệm và cũng là quyền của mỗi sinh viên. Có những sinh viên hoàn cảnh gia đình khó khăn, gần như phải đi làm thêm mới có đủ chi phí sinh hoạt trong thời gian học nên nếu hạn chế thời gian làm thêm thì những sinh viên đó phải làm sao. Các bạn cũng lách luật, tiếp tục làm thêm thôi", Minh Hà nhận định.

Thu Ngân cho rằng, đề xuất này nếu có áp dụng cần tính toán kỹ hơn để không ảnh hưởng đến quyền lợi của sinh viên. Ảnh: Chân Phúc

Còn với Thu Ngân, sinh viên Trường Đại học Sư Phạm TPHCM đánh giá, đề xuất chỉ phù hợp với những sinh viên làm thêm mang tính trải nghiệm, không đặt nặng vấn đề kinh tế, còn đối với những sinh viên cần làm thêm để có chi phí học, sinh hoạt thì không phù hợp.

"Em biết đề xuất đưa ra với mục đích tốt cho sinh viên, tránh tình trạng sinh viên tham làm thêm quá mà sao nhãng, bỏ bê việc học nhưng mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau nên đề xuất này có thể áp dụng nhưng cần tính toán kỹ và thực sự để kiểm soát được số giờ làm thêm của sinh viên cũng rất khó", Thu Ngân chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn