MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học phí nhiều trường tăng cao sau khi được tự chủ. Ảnh: Tuệ Nhi

Đề xuất quy định mức trần học phí trước hiện tượng tăng “phi mã” sau tự chủ

HUYÊN NGUYỄN LDO | 11/06/2020 18:02

Bộ GDĐT nhấn mạnh tự chủ không có nghĩa là muốn thu học phí mức cao bao nhiêu thì thu. Bộ sẽ đề xuất cần đưa quy định cụ thể khung và trần học phí phù hợp với các chuẩn kiểm định và chất lượng đầu ra.

Ngày 11.6, Bộ GDĐT đã lên tiếng về các vấn đề liên quan tới học phí, đặc biệt là học phí khi tự chủ. Theo đó, quy định về chính sách học phí các cấp học căn cứ theo theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP, Nghị định số 127/2018/NĐ-CP và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) 2018.

Theo Bộ GDĐT, các cơ sở GDĐH được tự chủ xác định mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kĩ thuật và lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo theo các hướng dẫn đã ban hành. Các mức này phù hợp với chất lượng đào tạo.

Đặc biệt, các đơn vị phải có trách nhiệm công khai, minh bạch và cam kết chất lượng; giải trình với xã hội và các cơ quan quản lí nhà nước về việc xây dựng mức học phí tương xứng với chất lượng đầu ra cam kết và lộ trình tăng học phí phù hợp với chất lượng được kiểm định chương trình đào tạo.

Đáng chú ý, cơ sở đào tạo khi xây dựng mức thu học phí cần phải tính đến các chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ cho người nghèo, đối tượng chính sách. Việc này thông qua các hình thức như: Quỹ hỗ trợ sinh viên nghèo, sinh viên khó khăn; chỉ tiêu cho các vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, các chính sách hỗ trợ khác.

“Cơ sở đào tạo và cơ quan quản lí cần phải hiểu, tự chủ, không đồng nghĩa với “muốn làm gì thì làm”, “thu học phí mức cao bao nhiêu thì thu”, Bộ GDDT nhấn mạnh.

Đối với các cơ sở GDĐH công lập, cơ quan chủ quản (Bộ ngành/địa phương) trực tiếp có trách nhiệm thẩm định, quyết định/phê duyệt/thống nhất phương án phân loại mức độ tự chủ về tài chính.

Bộ GDĐT cho biết tới đây sẽ đề xuất cần đưa quy định cụ thể khung và trần học phí phù hợp với các chuẩn kiểm định và chất lượng đầu ra của các cơ sở đào tạo vào dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, để trình Chính phủ xem xét, ban hành.

TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cũng bày tỏ rằng: “Nếu được tự chủ, người học sẽ phải đóng phần lớn trong chi phí đào tạo nhưng vẫn phải trên nguyên tắc đảm bảo sự công bằng xã hội.

Học phí trường công lập phải phù hợp, ở mức độ vừa phải và với thu nhập của người dân chứ không được lấy học phí cao chót vót. Các trường cần lưu ý không thể lẫn lộn, không thể đánh đồng giữa học phí và chi phí đào tạo”.

Còn Chủ tịch HĐQT Đại học FPT Lê Trường Tùng thì khẳng định các trường được tự chủ sẽ phải tăng học phí. Tuy nhiên, việc này phải đi kèm với chính sách học bổng, tín dụng như thế nào để người giỏi thì được học bổng và người nghèo có khả năng vay và chi trả để đi học. Trường công lập tăng học phí nhưng vẫn phải đảm bảo được quyền và khả năng tiếp cận GDĐT của đa số tầng lớp có nhu cầu học đại học hiện nay.

Cùng ngày, Bộ GDĐT đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế kiểm tra, xác minh thông tin về mức thu học phí tăng cao của Trường Đại học Y Dược TPHCM, phối hợp với Bộ GDĐT để trả lời công khai cho người học và toàn xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn