MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đếm từng ngày chờ bảng lương mới, giáo viên mong bình ổn giá

Trần Hạnh LDO | 16/04/2024 16:56

Giáo viên cả nước đang ngóng chờ ngày 1.7.2024. Đây là thời điểm cả nước thực hiện cải cách tiền lương, gắn với vị trí việc làm. Một thang bảng lương mới sẽ được áp dụng.

Mong giá cả bình ổn

Thi viên chức năm 2021, cô Lê Thị Diễm Hương - giáo viên môn Hóa học, Trường THPT Hồng Thái (Hà Nội) - hiện hưởng lương gần 5 triệu đồng/tháng. Với mức lương hiện tại cộng thêm nuôi con nhỏ, cô Hương luôn phải cẩn thận, tỉ mỉ trong chi tiêu, thế nhưng vẫn không đủ xoay sở giữa chốn thành thị.

"Với mức lương gần 5 triệu đồng/tháng, tôi luôn ở trong tình trạng thiếu tiền, phải đi xoay vòng tiền liên tục. Cuộc sống gặp nhiều khó khăn, dè sẻn chi tiêu, thắt lưng buộc bụng nuôi con", nói rồi cô Hương cho biết, bản thân rất vui mừng khi nhận được thông tin cải cách tiền lương từ ngày 1.7.2024.

“Tôi thực sự rất vui mừng. Điều này cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với ngành giáo dục, đồng thời giúp cải thiện đời sống của nhà giáo. Tính nhẩm sau cải cách, tiền lương của tôi có thể tăng thêm 1-2 triệu đồng/tháng, giúp tôi có thêm chi phí trang trải cuộc sống.

Thế nhưng, cần có biện pháp kiểm soát, bình ổn giá cả để chính sách cải cách tiền lương đạt được hiệu quả. Bởi nếu trước khi lương tăng, giá cả đã “leo thang” thì việc tăng lương không có nhiều ý nghĩa", cô Hương nói.

Giáo viên trông đợi vào đợt cải cách tiền lương ngày 1.7.2024. Ảnh: Anh Thư

Mong chờ cải cách tiền lương từng ngày

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, tiền lương sẽ được thiết kế theo cơ cấu mới: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Đồng thời, xây dựng hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo sẽ được xây dựng để thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới nhưng bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.

Chia sẻ với phóng viên Báo Lao Động, cô Trần Thị Nhi - giáo viên Trường Mầm non Đan Phượng (Hà Nội) - cho biết: “Bên cạnh việc giáo dục trẻ thì giáo viên mầm non còn phải làm các công việc khác như đảm bảo ăn, ngủ, vệ sinh cho trẻ; chủ động làm các học cụ, trang trí lớp mỗi dịp lễ tết.

Thế nhưng, đồng lương của chúng tôi nhận về chưa thực sự tương xứng. Nhiều đồng nghiệp của tôi đã phải từ bỏ, các bạn sinh viên mới ra trường cũng không lựa chọn theo nghề. Bởi vậy, cải cách tiền lương lần này thực sự là một cú hích, tạo động lực cho giáo viên bám nghề, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà".

Cô Nhi và đồng nghiệp đang đếm từng ngày chờ cải cách tiền lương. Nữ giáo viên hi vọng rằng, thầy cô sẽ không phải thấp thỏm lo về đồng lương mà có thể ổn định cuộc sống, yên tâm giảng dạy.

Mới đây, cử tri kiến nghị: “Đề nghị Bộ Nội vụ sớm có văn bản hướng dẫn bảng lương theo vị trí việc làm áp dụng từ 1.7.2024, để người lao động trong khối hành chính sự nghiệp nhà nước được biết và yên tâm công tác”.

Theo Bộ Nội vụ, căn cứ Kết luận số 64-KL/TW ngày 18.10.2023 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII về kinh tế - xã hội năm 2023-2024 Nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 10.11.2023 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Bộ Nội vụ đang khẩn trương phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn