MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ sinh phẩm phát hiện virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime PCR của nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Khoa học đạt được các tiêu chuẩn độ nhạy lâm sàng là 100%.

ĐH Khoa học Thái Nguyên nghiên cứu thành công bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19

Đặng Chung LDO | 21/08/2020 09:07
Sau nhiều tháng ăn ngủ tại phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu do TS Nguyễn Phú Hùng - Trưởng Khoa Công nghệ sinh học, Trường Đại học Khoa học-Đại học Thái Nguyên - làm chủ nhiệm đề tài đã nghiên cứu thành công và cho ra mắt bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime PCR.  Giá thành sản phẩm dự kiến giảm khoảng 15 – 30% so với một số bộ Kit đang được sử dụng hiện nay.

Rút ngắn thời gian xét nghiệm, giá thành giảm

Dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng tới 215 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 22 triệu người mắc và gần 800 nghìn người đã tử vong.

Tại Việt Nam, dịch bệnh đã bùng phát trở lại, xuất hiện nhiều ca nhiễm trong cộng đồng. Để góp phần phòng chống dịch bệnh, thời gian qua, các nhà khoa học trong nước đã nghiên cứu và sản xuất thành công 2 bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2 mang tên One-step RT-PCR COVID-19 kit và RT-LAMP Covid-19 kit.

Tuy nhiên, giá thành của bộ kit vẫn còn cao so với mặt bằng thu nhập của người dân và chưa đáp ứng đủ nhu cầu trong nước trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.

Trước thực tế này, với kinh nghiệm và kiến thức sau thời gian du học ở Pháp, Tiến sĩ Nguyễn Phú Hùng (Trường ĐH Khoa học Thái Nguyên) và các cộng sự đã bắt tay vào nghiên cứu bộ sinh phẩm xét nghiệm virus SARS-Cov-2.

TS Nguyễn Phú Hùng – Trưởng khoa Khoa Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Khoa học - chủ nhiệm đề tài và bộ sinh phẩm. Ảnh: Thanh Loan

Nhiều tháng qua, TS Hùng và đồng nghiệp đã có những ngày ăn ngủ tại phòng thí nghiệm, tập trung toàn lực cho công trình nghiên cứu. Ngoài nỗ lực của các nhà khoa học, họ được lãnh đạo Trường Đại học Khoa học – ĐH Thái Nguyên và UBND tỉnh Thái Nguyên tạo mọi điều kiện. Đặc biệt, UBND tỉnh còn cấp kinh phí để nhóm thực hiện nghiên cứu.

Sau khi được Bộ Y tế và các cơ quan chuyên môn nghiệm thu, cấp giấy chứng nhận kiểm nghiệm, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức họp báo công bố bộ sinh phẩm này.

GS.TS Phạm Hồng Quang – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên - phát biểu tại lễ công bố kết quả nghiên cứu của nhóm nhà khoa học trong trường. 

Theo TS Nguyễn Phú Hùng - chủ nhiệm đề tài nghiên cứu - bộ sinh phẩm phát hiện virus SARS-CoV-2 mà anh và các đồng nghiệp vừa nghiên cứu thành công có nhiều ưu điểm so với các sản phẩm đã có mặt trên thị trường. 

Bộ sinh phẩm phát hiện virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime PCR đạt được các tiêu chuẩn độ nhạy lâm sàng là 100%, độ đặc hiệu lâm sàng đạt 100%, độ đặc hiệu phân tích đạt 100%.

Đặc biệt, thời gian thực hiện phản ứng Realtime PCR dao động từ 54 phút đến 70 phút tùy theo từng hệ thống PCR, nhanh hơn so với hầu hết các bộ Kit Realtime PCR hiện nay từ 25 đến 30 phút, giá thành giảm 15 đến 30% so với một số bộ Kit đang được sử dụng hiện nay.

Chung tay cùng cả nước đẩy lùi dịch COVID-19

Để có thể nghiên cứu và cho ra mắt bộ sinh phẩm xét nghiệm virus SARS-Cov-2, nhóm nghiên cứu đã nhận được sự hỗ trợ, quan tâm rất lớn của lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên và lãnh đạo Trường Đại học Khoa học. Phòng thí nghiệm, với những thiết bị hiện đại đã được đầu tư để phục vụ nhóm nghiên cứu.

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Đăng - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, trước đó, các nhà khoa học của trường đã từng thành công ở nhiều đề tài khoa học lớn cấp quốc gia. Nhưng đề tài lần này mang ý nghĩa hết sức nhân văn, thể hiện trách nhiệm của nhà trường, của các nhà khoa học để cùng cả nước đẩy lùi dịch COVID-19.

Đánh giá về nghĩa của công trình, TS Bùi Thị Thu Hương - Trưởng Khoa Miễn dịch di truyền phân tử, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho rằng, bộ kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2 của nhóm tác giả Trường Đại học Khoa học-Đại học Thái Nguyên nghiên cứu có nhiều tính năng vượt trội so với những bộ kit trước đó.

Thời gian cho kết quả xét nghiệm nhanh hơn, độ chính xác cũng cao hơn. Việc nghiên cứu thành công bộ kit rất có ý nghĩa cho công tác chống dịch hiện nay.

Sau khi nghiệm thu chính thức và công bố kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ đối với bộ sinh phẩm này, các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục thực hiện bàn giao tài sản của nhiệm vụ khoa học công nghệ theo đúng quy định tại Nghị định số 70/2018/NĐ-CP ngày 15-5-2018 của Chính phủ.

Tỉnh Thái Nguyên cũng sẽ lựa chọn doanh nghiệp, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ và năng lực sản xuất phù hợp để tiến hành đăng ký, cấp phép theo quy định, phục vụ phương án sản xuất đại trà bộ sinh phẩm, đáp ứng kịp thời nhu cầu phòng, chống dịch COVID-19.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn