MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều địa phương thiếu trầm trọng giáo viên nhưng khó tuyển dụng. Ảnh: Vân Trang

Địa phương chi cả trăm triệu thu hút giáo viên nhưng vẫn khó tuyển

Vân Trang LDO | 18/08/2023 16:21

Nhiều địa phương thiếu giáo viên trầm trọng cho năm học mới nhưng khó tuyển dụng.

Địa phương khó tuyển dụng giáo viên

Chiều 18.8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 toàn ngành.

Tại hội nghị, vấn đề thiếu giáo viên cho năm học mới là thách thức, khó khăn được nhiều địa phương đề cập đến.

Ông Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái - cho biết, vướng mắc nhất của địa phương là tình trạng thiếu nhiều giáo viên và khó tuyển dụng mặc dù đã đưa ra nhiều chính sách thu hút, hỗ trợ.

Hiện số giáo viên tại tỉnh Yên Bái đạt 86,5% so với định mức. Từ năm 2021 đến nay, địa phương tổ chức nhiều đợt tuyển dụng, bình quân 2 đợt 1 năm với tổng số chỉ tiêu tuyển dụng là 2.532, nhưng số đăng kí chỉ 1.359, chiếm 53,7%.

"Số trúng tuyển 726, chiếm 53,4% số dự tuyển và chiếm 28,7% tổng số chỉ tiêu được tuyển. Ví dụ, giáo viên tiếng Anh, Tin học, tuyển mới ở vùng cao, thu hút 100 triệu/người vẫn chưa thể tuyển mới được trường hợp nào" - ông Duy nói.

Từ thực tế này, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, giao bổ sung biên chế giáo viên cho tỉnh Yên Bái đảm bảo đủ định mức theo quy định; nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18.7.2026 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương. Đồng thời, nghiên cứu điều chỉnh giảm tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non, tiểu học; quan tâm đến chế độ lương và phụ cấp để giúp giáo viên yên tâm, gắn bó với nghề.

Đối với các bộ, ngành trung ương, ông Duy đề nghị: Sửa đổi, thay thế các thông tư hiện hành quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập; tháo gỡ khó khăn về nguồn tuyển giáo viên miền núi. Bên cạnh đó, xem xét điều chỉnh mức học bổng; chế độ chính sách; trợ cấp xã hội cho học sinh, sinh viên.

Nguyên nhân xảy ra thiếu giáo viên trầm trọng

Tình trạng thiếu giáo viên cho năm học mới, khó tuyển dụng cũng là khó khăn được đại diện một số địa phương khác đưa ra tại hội nghị. Ngoài thiếu giáo viên, thì năm qua cũng có hơn 9.000 người bỏ nghề.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Bộ GDĐT

Tại hội nghị, Bộ GDĐT đã đánh giá những nguyên nhân của tình trạng thiếu giáo viên, cũng như việc giáo viên nghỉ việc.

Theo Bộ GDĐT, nguyên nhân chủ quan dẫn tới tình trạng thiếu giáo viên vẫn trầm trọng là do công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu giáo viên chưa sát, không theo kịp thực tế. Sự chuyển dịch lao động giữa các vùng miền với số lượng lớn và không có quy luật. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 yêu cầu bậc tiểu học phải tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, bổ sung thêm một số môn học bắt buộc.

Ngoài ra, việc tuyển dụng giáo viên ở các địa phương còn bất cập, chưa kịp thời do thiếu nguồn tuyển (theo quy định chuẩn trình độ đào tạo tại Luật Giáo dục 2019); chưa có cơ chế thu hút và giữ giáo viên gắn bó với nghề khi lương giáo viên nhìn chung thấp, nhất là giáo viên mới được tuyển dụng.

Việc thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp ở nhiều địa phương thực hiện cơ học chưa căn cứ vào tính chất đặc thù của ngành Giáo dục cũng tác động làm gia tăng thêm tình trạng thiếu giáo viên.

Để từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, Bộ GDĐT đã hướng dẫn các địa phương tuyển dụng được 17.208 giáo viên trong tổng số 65.980 biên chế giáo viên được Bộ Chính trị cho phép bổ sung cho cả giai đoạn 2022 - 2026.

Đặc biệt, Bộ GDĐT trình và được Chính phủ thống nhất thông qua về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo nhằm tạo hành lang pháp lý, nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo; tạo cơ hội cho nhà giáo yên tâm hoạt động nghề nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn