MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Phạm Mạnh Hà cho rằng: Điểm chuẩn các trường top giữa sẽ có nhiều biến động (Ảnh: HN)

Điểm chuẩn các trường top giữa sẽ có nhiều biến động

Huyên Nguyễn LDO | 08/07/2017 18:15
Đây là nhận định của TS Phạm Mạnh Hà - Phó trưởng Khoa Công tác thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam - đưa ra tại Ngày hội Tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ năm 2017 được báo Tuổi trẻ, Bộ GDĐT tổ chức sáng nay (8.7).

Nên tăng từ 1,5 đến 2 điểm

TS Phạm Mạnh Hà cho biết: Hiện có rất nhiều thí sinh gửi câu hỏi đến Ban tư vấn xét tuyển hỏi những vấn đề liên quan điểm chuẩn hoặc với số điểm bao nhiêu có đỗ vào trường được hay không? Đây là những câu hỏi khó có câu trả lời. Bởi không ai có  thể dự đoán được chính xác con số này.

Tuy nhiên, thí sinh có 1 công thức căn cứ để dự đoán số điểm như sau: Nhìn vào phổ điểm năm nay có thể thấy rằng, khối D là điểm trung bình trung cao hơn năm ngoái 3 điểm, khối C có điểm trung bình trung cao hơn 2 điểm, khối A về cơ bản là được giữ nguyên, khối A1 tăng từ 1,5 đến 2 điểm. Như vậy, thí sinh tính toán chắc chắn thì hãy căn cứ vào điểm chuẩn năm ngoái để cộng thêm từ 1,5 đến 2 điểm. Thí sinh cũng có thể cộng thêm 0,5 đến 1 điểm để có phương án trung bình. Lúc đó, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội đỗ hơn.

TS Phạm Mạnh Hà cũng lưu ý thêm, nếu thí sinh chỉ căn cứ vào điểm các em đạt so với điểm năm ngoái thì rất khó để có cơ hội chắc chắn. Năm nay, đối với trường, các ngành top trên như ĐH Y dược, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân thì cơ bản sẽ không tăng nhiều. Vì với mức điểm 26 đến 28 thì khó có thể tăng nhiều hơn. Vì thế, điểm chuẩn có thể giữ nguyên hoặc tăng thêm 0,25 đến 0,5 điểm.

Thí sinh cần đặc biệt lưu ý, những trường top giữa có phổ điểm từ 18 đến 22 thì sẽ có biến động. Vì thế, phụ huynh và học sinh cần tính toán để tăng thêm điểm để có lựa chọn chính xác.

Rất nhiều phụ huynh và học sinh tham gia Chương trình tư vấn sáng nay (Ảnh: HN)

Trả lời câu hỏi của thí sinh về việc muốn dựa điểm chuẩn năm trước để chọn ngành năm nay có đáng tin, PGS.TS Trần Văn Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT - cho hay, các em bắt buộc phải có nghiên cứu trong việc đặt nguyện vọng.

Hiện nay phổ điểm được Bộ GDĐT công bố mới chỉ là phổ điểm chung. Sau ngày 12.7, khi có điểm sàn, Bộ GDĐT sẽ có phổ điểm chi tiết hơn với từng khối. Ví dụ, ở khối A, từ 24 điểm sẽ có bao nhiêu em, từ 23 điểm sẽ có bao nhiêu em.

Phổ này sẽ rất quan trọng. Căn cứ vào điểm thi của mình, thí sinh sẽ biết có bao nhiêu em cùng khối bằng và hơn điểm của mình. Sau đó, em so sánh với điểm năm trước. Nếu 2 năm ngang nhau thì điểm chuẩn cũng sẽ tương đương. Còn nếu số lượng thí sinh có điểm ngang và hơn chênh lệch lớn thì các em có điều chỉnh tương ứng.

Tuy nhiên, thông tin này chỉ là 1 cơ sở, mang tính chất tham khảo cũng chưa thể coi là chính xác hoàn toàn bởi sẽ còn rất nhiều yếu tố phụ thuộc.

Mọi thí sinh đều bình đẳng về nguyện vọng

PGS.TS Trần Văn Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT – cũng nhấn mạnh, đối với thí sinh đăng kí xét tuyển ngành quân sự, công an thì cần đặc biệt lưu ý phải đăng kí nguyện vọng 1 vào các trường này. Còn đối với các trường còn lại, cơ hội ở từng nguyện vọng của các em là ngang nhau. Đối với thí sinh trúng nhiều nguyện vọng thì chỉ được xét tuyển nguyện vọng cao nhất.

PGS.TS Trần Văn Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT (Ảnh: HN)

Năm nay, Bộ GDĐT đã xây dựng 1 hệ thống lọc ảo giúp các trường lọc ảo trong xét tuyển. Các trường vẫn xét bình thường và chọn ra các em có điểm trúng tuyển phù hợp. Sau khi đưa lên hệ thống chung của Bộ GDĐT, hệ thống sẽ chỉ ra thí sinh này đạt điểm vào các nguyện vọng 1, 2, 3... và hệ thống sẽ tự động chỉ định thí sinh đó đỗ nguyện vọng 1 và loại đi nguyện vọng 2, 3...

Vì thế, mọi thí sinh đều bình đẳng về nguyện vọng trước các trường. Nguyện vọng 1 của thí sinh này là nguyện vọng 2 của thí sinh khác cũng đều không ảnh hưởng. Với cách xét tuyển này, đảm bảo mỗi em chỉ có thể trúng tuyển vào 1 trường duy nhất, ông Nghĩa lưu ý. 


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn