MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong mùa tuyển sinh năm nay, nhiều thí sinh đạt điểm gần tuyệt đối nhưng vẫn không trúng tuyển nguyện vọng nào. Ảnh: Hải Nguyễn.

Điểm chuẩn tăng "phi mã", cần đổi mới tuyển sinh để tạo sự công bằng

Tường Vân LDO | 22/09/2021 17:35

Chỉ nên coi điểm thi tốt nghiệp là bước sơ tuyển, sau đó cần có thêm bài thi để đánh giá năng lực thực của thí sinh và không có bất kỳ điểm cộng, điểm ưu tiên nào ở bài thi này... là đề xuất của TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT) sau hiện tượng điểm chuẩn tăng "phi mã" trong mùa tuyển sinh năm nay. 

Những lý do khiến điểm chuẩn cao bất thường

Theo TS Lê Viết Khuyến, thống kê của Bộ GDĐT cho thấy, chỉ khoảng 5% thí sinh có tổng điểm 27 điểm trở lên, như vậy, bức tranh đại thể là bình thường. Bất thường ở dải phổ cao, khi có những em 27, 28 điểm vẫn không trúng tuyển nguyện vọng nào.

Lý giải những lý do dẫn đến hiện tượng này, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, nếu những năm về trước, phương thức xét tuyển đại học chủ yếu là dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT thì năm nay, có rất nhiều các phương thức, tiêu chí xét tuyển khác nhau như xét bằng học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ, xét tuyển kết hợp,… 

Xét tuyển học bạ lại có nhiều kiểu như có trường dựa vào điểm trung bình 2 học kỳ của năm lớp 12, có trường dựa vào điểm trung bình của 3 học kỳ gần nhất, có trường lại dựa vào điểm trung bình của 5 học kỳ ở bậc THPT.

“Xét tuyển bằng điểm học bạ là điều khiến tôi lo ngại bởi không đáng tin cậy. Rồi chưa kể những tiêu chí khác để xét tuyển đại học như dựa vào điểm IELTS. Đây là cái không chuẩn vì phương thức này chỉ phù hợp vào ngành Tiếng Anh còn những chuyên ngành khác thì hoàn toàn không hợp lí”, chuyên gia bày tỏ quan điểm.

Để minh chứng cho quan điểm của mình, ông chỉ ra sự bất thường nếu các trường chỉ sử dụng phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ tiếng Anh như hiện nay:

“Không phải ngẫu nhiên mà phổ điểm Tiếng Anh năm nay có 2 đỉnh và khoảng cách giữa 2 đỉnh khá lớn. Điều này phản ánh học sinh tại Việt Nam có 2 loại chương trình thực học khác nhau. 

Phổ điểm “lạ” môn Tiếng Anh trong mùa tuyển sinh đại học năm 2021.

Cụ thể, học sinh ở thành thị có phong trào đầu tư, học thêm tiếng Anh, nên trình độ sẽ tăng cao. Còn học sinh miền núi không đó điều kiện học như thế. Như vậy, nếu tiêu chí chứng chỉ IELTS là hình thức xét tuyển chính sẽ thiếu đi sự công bằng với học sinh các vùng miền”.

Trước những bất cập trong phương thức xét tuyển đại học nêu trên, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho rằng, nếu các trường đại học tiếp tục đặt ra những tiêu chí xét tuyển bất hợp lý thì tình trạng 28, 29 điểm không trúng tuyển vẫn có thể xảy ra.

Cần sự thay đổi trong phương thức tuyển sinh đại học

TS Lê Viết Khuyến cho rằng, để giải quyết bài toán "lạm phát điểm chuẩn" như hiện nay, cần có sự thay đổi trong phương thức tuyển sinh đại học. Mục đích chính của kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay là xét tốt nghiệp. Do đó, nếu sử dụng kết quả thi để xét tuyển đại học thì chỉ phù hợp với một nhóm trường thôi.

"Theo tôi, các ngành hot của trường hot chỉ nên coi điểm thi tốt nghiệp là bước sơ tuyển, sàng lọc bước đầu để tạo điều kiện cho người học có cơ hội vào trường.

Sau đó cần có thêm bài thi để đánh giá năng lực thực của thí sinh và không có bất kỳ điểm cộng, điểm ưu tiên nào ở bài thi này để tạo nên sự công bằng" - ông Khuyến nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn