MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đánh giá về điểm thi và phổ điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Điểm thi môn tiếng Anh phản ánh trung thực năng lực ngoại ngữ của học sinh

GS-TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo Đại học và Sau đại học, ĐH Quốc gia HN LDO | 27/08/2020 19:02
Môn tiếng Anh có sự cải thiện về kết quả, nhưng còn thấp hơn so với mặt bằng chung của các môn khác. Kết quả này phản ánh trung thực năng lực ngoại ngữ của các em học sinh THPT hiện nay.

Phổ điểm phân bố hợp lý

Sáng 27.8, Bộ giáo dục và Đào tạo đã chính thức công bố kết quả kỳ thi THPT năm 2020.  Từ những kết quả được công bố, có thể thấy phổ điểm năm nay có phân bố hợp lý.

Số liệu thống kê điểm tuyệt đối cũng như số điểm liệt, mức điểm trung bình các môn cho thấy đề thi được điều chỉnh rất hợp lý, đúng định hướng kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Cá nhân tôi qua các số liệu này thấy rất an tâm về sự khách quan và nghiêm túc của kỳ thi.

Đồng thời, qua kết quả công bố điểm, tôi thấy đề thi có sự phân loại rất tốt để các trường đại học, trong đó có Đại học Quốc gia yên tâm chọn được những học sinh giỏi và xuất sắc vào những ngành “nóng”, có sức cạnh tranh cao.

Điểm chuẩn tăng từ 2-4 điểm

Với phổ điểm của các tổ hợp xét tuyển cơ bản như đã công bố, tôi dự kiến mặt bằng chung của điểm trúng tuyển năm nay, sẽ tăng từ 2-4 điểm so với năm ngoái, tùy thuộc vào từng ngành, từng cơ sở đào tạo.

 Điểm đáng mừng là điểm môn Lịch sử, là chủ đề được xã hội quan tâm và thảo luận nhiều những năm trước đây, đã có sự cải thiện rất đáng kể, phản ánh thành công của những nỗ lực đổi mới về phương pháp giảng dạy môn lịch sử của ngành giáo dục và các địa phương, các trường THPT cũng như nỗ lực của thầy cô và các em học sinh trong những năm gần đây.

Phổ điểm môn tiếng Anh. 

Môn tiếng Anh có sự cải thiện về kết quả, nhưng còn thấp hơn so với mặt bằng chung của các môn khác. Tôi đánh giá kết quả này phản ánh trung thực năng lực ngoại ngữ của các em học sinh THPT hiện nay. Nhưng học ngoại ngữ là cả một quá trình và chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn để cải thiện trong những năm tiếp theo.

Như vậy, có thể đánh giá kỳ thi THPT đợt 1, năm 2020 đã thành công tốt đẹp. Mặc dù tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các quyết sách, những điều chỉnh về đề thi, cách thức tổ chức thi và xét tuyển của Chính phủ và của Bộ như vậy là phù hợp với thực tiễn.

 Tôi cũng đánh giá rất cao nỗ lực của Bộ giáo dục Đào tạo đã triển khai phần mềm để quản lý đầy đủ dữ liệu thí sinh trên toàn quốc, chuyển cho các trường, từ đó giúp các trường đại học rất “nhàn”, rất minh bạch và nhanh trong khâu xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển.

Qua bảng xếp hạng các địa phương theo kết quả thi THPT cho thấy, với một số tỉnh trong số 10 địa phương ở cuối bảng xếp hạng, có nhiều tỉnh là miền núi phía bắc, có vùng sâu vùng xa - rất cần sự quan tâm hơn nữa của Đảng và Nhà nước, của địa phương tới giáo dục. 

Bảng xếp hạng này cũng cho thấy một số địa phương khác, mặc dù có khó khăn, hoặc chưa phải là những thành phố, đô thị phát triển, nhưng nếu được quan tâm và chăm lo, kết quả học tập sẽ được cải thiện rất tích cực. Thông qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương.

Bảng xếp hạng này công khai, minh bạch cũng sẽ góp phần phát hiện những bất thường, hạn chế tiêu cực trong thi cử.

Bảng đánh giá so sánh đối chiếu giữa kết quả các môn học của kỳ thi THPT với kết quả học bạ của Bộ, cũng là bảng tham khảo rất giá trị. Tuyệt đại đa số các môn, các địa phương, mức chênh lệnh ở mức 0,4-0,8 điểm (chênh theo cả 2 chiều cộng, và trừ), theo tôi là mức chênh lệch chấp nhận được.

Tuy nhiên lại có ít địa phương, mức chênh điểm thi thấp hơn đến gần 2 điểm so với kết quả học bạ, mặc dù có yếu tố “học tài, thi phận”, nhưng đây là những con số phản ánh thực trạng để lãnh đạo địa phương và các trường, các thầy cô cũng như chính các em học sinh phải xem xét, điều chỉnh và nỗ lực hơn trong năm tới.

Và điểm cuối cùng, với chiều hướng điều chỉnh kỳ thi THPT từ kỳ thi THPT quốc gia để kết hợp “2 trong 1, vừa thi THPT, vừa dùng để xét tuyển đại học” của mấy năm trước thành kỳ thi THPT có tính chất thường lệ, hằng năm, với mục đích xét tốt nghiệp THPT là chính, thì theo tôi, để đảm bảo ổn định nguồn và chất lượng đầu vào, các trường đại học, nhất là các trường lớn, định hướng nghiên cứu, cần sớm có kịch bản và phương án để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học cho những năm tới một cách khả thi, bài bản, khoa học, phù hợp với thông lệ quốc tế và Luật giáo dục đại học (sửa đổi, 2018).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn