MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo viên vùng cao Điện Biên chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới. Ảnh: Văn Thành Chương

"Điện Biên đang gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển dụng giáo viên"

VĂN THÀNH CHƯƠNG LDO | 04/09/2023 14:51

Trước thềm năm học mới 2023-2024, phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Đoạt - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Điện Biên về vấn đề thiếu giáo viên của tỉnh.

- Thưa ông, bước vào năm học 2023-2024, toàn tỉnh Điện Biên tiếp tục xảy ra tình trạng thiếu rất nhiều giáo viên, ông có thể chia sẻ cụ thể?

Khoảng 5 năm gần đây thì năm nào cũng thiếu giáo viên so với nhu cầu thực tế. Năm học 2022-2023, toàn tỉnh thiếu gần 1.800 giáo viên, trong đó, bậc mầm non thiếu nhiều giáo viên nhất, sau đến các môn chuyên biệt như Tiếng Anh, Tin học.

Năm học 2023-2024, theo định mức toàn ngành, tỉnh Điện Biên thiếu 2.008 giáo viên, chủ yếu ở các môn như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc và Mỹ thuật. Trong đó, cấp học mầm non thiếu 980 giáo viên, 233 tiểu học, 533 trung học cơ sở và 262 giáo viên trung học phổ thông.

Ông Nguyễn Văn Đoạt (trái) trao đổi với PV Báo Lao Động.

- Nguyên nhân của tình trạng thiếu giáo viên mỗi năm một nhiều là gì, thưa ông?

Trước hết, có thể nói là ngành GDĐT Điện Biên đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển dụng giáo viên, nhất là giáo viên các môn chuyên biệt. Do điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, thu nhập của giáo viên không có cơ chế đặc thù nên rất khó thu hút và cạnh tranh với các tỉnh miền xuôi.

Cùng với đó, việc có nhiều giáo viên xin nghỉ việc, bỏ việc và chuyển công tác về các tỉnh miền xuôi cũng là một nguyên nhân.

Chỉ tính riêng trong 3 năm gần đây đã có hàng trăm giáo viên xin nghỉ, thôi việc. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc bố trí, sắp xếp giáo viên và triển khai kế hoạch năm học.

Giáo viên vùng cao tại Điện Biên chưa được hưởng chế độ đãi ngộ riêng do tỉnh còn nhiều khó khăn. Ảnh: Văn Thành Chương

- Vậy ngành GDĐT Điện Biên đã có giải pháp gì để khắc phục thực trạng này, thưa ông?

Trước mắt, Sở GDĐT đã yêu cầu các đơn vị chủ động phương án, kế hoạch cụ thể, lên kịch bản sẵn sàng dựa trên tình hình thực tế và số giáo viên hiện có để giải quyết vấn đề khi bước vào năm học mới.

Đối với môn Tiếng Anh và Tin học ở cấp tiểu học, việc bố trí là rất khó khăn. Ở cấp trung học cơ sở thì các thầy cô Toán – Tin còn có thể dạy song song được, ngoài ra, giáo viên đào tạo chung môn Mỹ thuật, Âm nhạc nên có thể khắc phục trước mắt.

Trong khi thiếu giáo viên bộ môn Tiếng Anh, các trường đang phải áp dụng hình thức dạy tăng tiết, hoặc Phòng Giáo dục và Đào tạo phân công giáo viên tiếng Anh đảm nhiệm dạy 2 cấp học theo cụm xã.

Song song với đó, việc tuyển dụng giáo viên vẫn tiếp tục được triển khai. Năm học 2023-2024, toàn tỉnh sẽ tuyển dụng mới 489 giáo viên. Trong đó có 191 giáo viên mầm non, 172 giáo viên tiểu học, 96 giáo viên trung học cơ sở và 30 giáo viên trung học phổ thông.

Trong 3 năm gần đây, toàn tỉnh Điện Biên đã có hàng trăm giáo viên xin nghỉ việc. Ảnh: Văn Thành Chương

- Về lâu dài, Điện Biên có cơ chế, chính sách gì để thu hút và ổn định nguồn giáo viên, thưa ông?

Sở GDĐT đã tham mưu UBND tỉnh Điện Biên ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tổng thể nhiều giải pháp để đảm bảo nguồn giáo viên phục vụ giáo dục lâu dài.

Đồng thời, Sở GDĐT cũng chủ trì tham mưu UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch đào tạo để đảm bảo nguồn giáo viên giảng dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông mới trên địa bàn toàn tỉnh.

Hiện nay, Sở GDĐT cũng đã tổng hợp và có văn bản gửi các trường đại học có đào tạo chuyên ngành sư phạm các môn chuyên biệt và đề nghị thông tin đến sinh viên đã tốt nghiệp, chuẩn bị tốt nghiệp để các em tham dự tuyển dụng ngay trong năm học này.

Ngoài ra, ngành GDĐT cũng khảo sát số sinh viên là con em các dân tộc trên địa bàn đã tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm để tư vấn, định hướng cho các em tham gia đào tạo nâng cao hoặc liên thông để hoàn thiện văn bằng phù hợp khi các em có nguyện vọng dự tuyển giáo viên trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, Sở GDĐT đã yêu cầu các đơn vị phải thực hiện đầy đủ các quy định về chế độ chính sách đối với giáo viên công tác tại khu vực đặc biệt khó khăn. Đồng thời chi trả kịp thời chế độ chính sách tiền lương và phụ cấp.

Ngoài ra, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đãi ngộ như: Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng; thực hiện chính sách thu hút người có trình độ cao theo Quyết định số 32/2012/QĐ-UBND, ngày 26.12.2012 của UBND tỉnh.

Theo đó, mức thu hút bằng 40 lần mức lương tối thiểu đối với người có trình độ thạc sĩ. Mức thu hút bằng 60 lần mức lương tối thiểu đối với người có trình độ Phó Giáo sư, Tiến sĩ trở lên.

- Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn