MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Năm học 2022 – 2023, ngành GDĐT tỉnh Điện Biên đang phải đối diện với tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều môn học. Ảnh: Văn Thành Chương

Điện Biên ứng phó thế nào trước tình trạng thiếu hàng trăm giáo viên?

VĂN THÀNH CHƯƠNG LDO | 26/08/2022 17:10

Điện Biên – Bước vào năm học 2022 – 2023, ngành giáo dục  tỉnh Điện Biên đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn do thiếu giáo viên khi trong 2 năm qua đã có hàng trăm giáo viên bỏ việc.

Trước thềm năm học mới, phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Đoạt - Giám đốc Sở GDĐT Điện Biên về vấn đề này.

- Thưa ông, bước vào năm học 2022-2023 nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng thiếu giáo viên do áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, vậy tại tỉnh Điện Biên có hiện tượng này không?

Năm học 2022-2023, riêng ở các môn: Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc và Mỹ thuật, tỉnh Điện Biên đang thiếu trên 200 giáo viên. Nguyên nhân chủ yếu do áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, đối với lớp 3 môn Tiếng Anh và Tin học trở thành môn học bắt buộc, còn đối với cấp THPT thì môn Âm nhạc và Mỹ thuật cũng được đưa vào môn học lựa chọn.

Cùng với đó, do yêu cầu của Luật Giáo dục năm 2019, trình độ chuẩn giáo viên tiểu học, THCS được nâng lên trình độ đại học trong khi Điện Biên chỉ có 1 trường Cao đẳng Sư phạm nên rất khó khăn trong việc tuyển dụng nguồn giáo viên.

Ông Nguyễn Văn Đoạt - Giám đốc Sở GDĐT Điện Biên trả lời phỏng vấn Báo Lao Động.

- Trước thực trạng đó, ngành GDĐT đã có những giải pháp gì?

Trước mắt, Sở GDĐT đã yêu cầu các đơn vị chủ động phương án, kế hoạch cụ thể, lên kịch bản sẵn sàng dựa trên tình hình thực tế và số giáo viên hiện có để giải quyết vấn đề trong năm học này nếu việc tuyển dụng không có kết quả.

Cùng với đó, khuyến khích giáo viên đi học văn bằng 2 với chuyên ngành đang thiếu và tiến hành khảo sát đối tượng sinh viên sư phạm tốt nghiệp có nguyện vọng đi làm nhưng chuyên ngành không phù hợp để tổ chức đi đào tạo liên thông hoặc văn bằng 2.

Toàn tỉnh Điện Biên đang thiếu trên 200 giáo viên ở các môn: Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc và Mỹ thuật. 

Về lâu dài, Điện Biên tiếp tục triển khai chế độ cử tuyển, năm 2021, tỉnh đã cử 23 học sinh đi học theo chế độ cử tuyển ngành sư phạm Tiếng Anh. Năm 2022 cũng có 68 chỉ tiêu cử tuyển, trong đó tiếng Anh 38 chỉ tiêu; Tin học 10 chỉ tiêu; Âm nhạc 10 chỉ tiêu và Mỹ thuật 10 chỉ tiêu.

- Được biết tại Điện Biên cũng có tình trạng nhiều giáo viên bỏ việc giống như một số tỉnh ở Tây Bắc, vậy cụ thể vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Năm học 2020-2021, toàn tỉnh Điện Biên có 45 giáo viên xin nghỉ, thôi việc; năm học 2021-2022 có 64 giáo viên xin nghỉ, thôi việc. Vấn đề này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc bố trí, sắp xếp giáo viên và triển khai kế hoạch năm học.

Ngay sau khi kết thúc năm học 2021-2022, Sở GDĐT đã chỉ đạo các đơn vị tiến rà soát quy mô trường, lớp; chủ động khắc phục tình trạng thiếu giáo viên như: Tuyển dụng bổ sung, tăng cường rà soát, sắp xếp lại trường lớp, bố trí sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực hiện có.

 Sở GDĐT Điện Biên khuyến khích giáo viên đi học liên thông hoặc văn bằng 2 để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.

- Như vậy, trong 2 năm toàn tỉnh Điện Biên đã có trên 100 giáo viên bỏ việc, theo ông nguyên nhân do đâu?

Trước hết có thể nói, do đặc thù là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, hạn chế; kinh phí để thực hiện chế độ đãi ngộ riêng của tỉnh còn eo hẹp nên tình trạng giáo viên bỏ việc vì thu nhập thấp là khó tránh khỏi.

Theo thống kê, số giáo viên bỏ việc hầu hết là người từ các tỉnh miền xuôi lên công tác. Do xa gia đình, điều kiện đi lại khó khăn, cùng với cơ hội việc làm tại các tỉnh miền xuôi hiện nay đang rất rộng nên một số giáo viên bỏ việc để lựa chọn công việc gần nhà phù hợp với điều kiện gia đình.

Điều kiện công tác của giáo viên vùng cao, vùng xa còn nhiều khó khăn.

- Về lâu dài, tỉnh Điện Biên có cơ chế, chính sách gì để thu hút và giữ chân giáo viên, thưa ông?

Sở GDĐT đã yêu cầu các đơn vị phải thực hiện đầy đủ các quy định về chế độ chính sách đối với giáo viên công tác tại khu vực đặc biệt khó khăn. Đồng thời chi trả kịp thời chế độ chính sách tiền lương và phụ cấp.

Ngoài ra, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đãi ngộ như: Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng; thực hiện chính sách thu hút người có trình độ cao theo Quyết định số 32/2012/QĐ-UBND, ngày 26.12.2012 của UBND tỉnh.

Theo đó, mức thu hút bằng 40 lần mức lương tối thiểu đối với người có trình độ thạc sĩ. Mức thu hút bằng 60 lần mức lương tối thiểu đối với người có trình độ Phó Giáo sư, Tiến sĩ trở lên.

Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn