MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiệu trưởng Trường THPT Long Thới tại cuộc họp về việc để xảy ra tình trạng giáo viên im lặng không giảng bài trong trường mình quản lý. Ảnh: Trung Hiếu

Đình chỉ dạy cô giáo im lặng: Hiệu trưởng quan liêu phải xử lý trách nhiệm

Bích Hà LDO | 14/04/2018 09:58
Để tình trạng giáo viên trong trường lên lớp chỉ im lặng, không giảng bài cho học sinh diễn ra trong nhiều tháng, có trách nhiệm rất lớn của hiệu trưởng.

Ngày 13.4, lãnh đạo Trường THPT Long Thới (Nhà Bè, TPHCM) đã chính thức thông báo về mức kỷ luật cảnh cáo đối với cô Trần Thị Minh Châu - giáo viên bị em Phạm Song Toàn “tố” lên lớp im lặng, không giảng bài, không nói chuyện với học sinh.

Ngoài hình thức kỷ luật là cảnh cáo, cô Châu không được tiếp tục đứng lớp giảng dạy, mà sẽ được nhà trường phân công làm công việc khác.

Về phía cô Trần Thị Minh Châu, khi kết thúc buổi họp hội đồng kỷ luật, cô bày tỏ mong muốn tiếp tục được đi dạy. Từ hôm đình chỉ, ở nhà cô rất buồn và không hình dung được nếu không đi dạy cuộc sống của mình sẽ như thế nào. Thế nên, việc cô làm sai cô phải chịu kỷ luật nhưng vẫn mong muốn có cơ hội đi dạy.

Theo quan điểm của TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), hành động lên lớp chỉ im lặng, chép bài lên bảng mà không nói chuyện, giao tiếp với học sinh của cô Châu là hoàn toàn sai.

“Đã làm sai thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước học sinh, phụ huynh, dư luận xã hội, trước pháp luật. Đúng là ai cũng có lúc sai lầm, nhưng phải đứng lên từ sai lầm đó, chứ không phải là che đậy đi”- TS Lâm nêu quan điểm.

Ngoài ra, trong vụ việc này, TS Lâm cũng cho rằng có trách nhiệm rất lớn của hiệu trưởng nhà trường. Không chỉ cô Châu chịu hình thức kỷ luật, mà thầy hiệu trưởng, cô giáo chủ nhiệm lớp học của em Phạm Song Toàn cũng có lỗi khi để tình trạng cô giáo im lặng không giảng bài xảy ra trong thời gian dài.

“Việc để xảy ra tình trạng cô giáo lên lớp không giảng bài cho học sinh kéo dài tận 3 tháng là lỗi của hiệu trưởng. Không thể có chuyện quản lý quan liêu như vậy. Chứng tỏ nhà trường hiện nay không dân chủ, học sinh không dám nói, thầy cô khác cũng không dám nói, tất cả đều chờ hiệu trưởng xử lý. Nhưng hiệu trưởng cũng không nắm được, làm ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh. Chính vì thế hiệu trưởng cũng phải chịu trách nhiệm vì đã chưa sâu sát, quản lý chưa tốt”- TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn