MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều thí sinh lựa chọn đăng ký nguyện vọng vào ngành Kinh doanh - Quản lý. Ảnh: GDU

"Đổ xô" đi học ngành Kinh doanh và Quản lý, điểm chuẩn có tăng cao không?

Huyên Nguyễn (thực hiện) LDO | 19/05/2021 12:03

TS Nguyễn Ngọc Duy Phương - Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Quốc tế nhận định cơ hội việc làm của ngành Kinh doanh và Quản lý rất cao. Cùng với tỉ lệ “chọi” cao, chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi giảm nên điểm chuẩn năm 2021 có thể sẽ tăng.

Bộ GDĐT đã công bố số liệu một số nhóm ngành có nhiều thí sinh đăng ký năm 2021, trong đó, thí sinh đặc biệt quan tâm tới ngành Kinh doanh và Quản lý. TS Nguyễn Ngọc Duy Phương có nhận định gì về số lượng đăng ký này? Liệu rằng có tỉ lệ “ảo” lớn không khi 1 thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng?

- Theo bảng số liệu thí sinh đăng ký xét tuyển đại học do Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) công bố, dẫn đầu nhóm ngành Kinh doanh và Quản lý có hơn 1,2 triệu lượt nguyện vọng, chiếm 32% tổng số đăng ký. Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam, sự ra đời của hàng loạt công ty, doanh nghiệp đòi hỏi nhu cầu nhân lực nhóm ngành Kinh Doanh và Quản lý ngày càng cao. Chưa bao giờ hạ nhiệt, nhóm ngành này luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo thí sinh trong nhiều năm qua.

TS Nguyễn Ngọc Duy Phương - Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: NVCC

Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, trong tổng nhu cầu nhân lực, nhóm kinh tế, kinh doanh, quản trị, quản lý chiếm tỉ trọng bình quân 20%. Tại TPHCM và các thành phố đô thị, con số này lên tới khoảng 30%.

Trong đó, TPHCM là nơi cần nguồn lao động cao với chỉ tiêu khoảng 300.000 người/năm trong giai đoạn 2018-2025, đặc biệt có xu hướng không ngừng tăng số lượng các doanh nghiệp mới. Vì thế, việc số thí sinh đăng ký xét tuyển vào nhóm ngành Kinh doanh và Quản lý chiếm tỉ lệ cao nhất cũng phù hợp với xu hướng của của thị trường lao động đang cần trong tương lai.

Bức tranh số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển đại học ở nhóm ngành Kinh doanh và Quản lý cho thấy tỉ lệ chọi trong nhóm ngành này rất cao và cũng không loại trừ trường hợp thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng trong nhóm ngành này. Theo công bố của Bộ GDĐT đến hết ngày 11.5, trung bình mỗi thí sinh đăng ký 5 nguyện vọng. Trường hợp thí sinh đăng ký nhiều nhất là 99 nguyện vọng.

Cơ hội việc làm của nhóm ngành này như thế nào, thưa ông?

- Nhóm ngành Kinh doanh và Quản lý rất rộng và đào tạo rất nhiều nhân lực trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhóm các chuyên ngành liên quan đến quản trị: quản trị kinh doanh, quản trị lữ hành, quản trị nguồn nhân lực, kinh doanh quốc tế, thương mại, ngoại thương, marketing, logistics … Ngành này cung cấp kiến thức và kỹ năng giúp bạn trở thành nhà quản trị trong tương lai.

Nắm bắt nhu cầu cấp thiết của thị trường lao động, các trường đại học chú trọng xây dựng một môi trường học chất lượng, chuẩn quốc tế. Bên cạnh giờ học tại lớp với đội ngũ giảng viên tận tình, dày dặn kinh nghiệm, các bạn sinh viên còn được nâng cao các kỹ năng mềm, kỹ năng chuyên môn thông qua các chương trình, cuộc thi học thuật, các workshop chuyên đề,... để chuẩn bị hành trang nghề nghiệp vững vàng.

Ngoài ra, vấn đề việc làm không còn là trăn trở của sinh viên, các trường luôn tăng cường các hoạt động hợp tác, liên kết với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Qua đó, trường sẽ giúp sinh viên vững vàng chinh phục được đam mê trong tương lai.

Không ít học sinh lựa chọn theo tâm lý đám đông, nghĩ là học kinh tế không lo thất nghiệp. Theo ông, có đúng là ngành này dễ xin việc hay không?

- Sinh viên khi tốt nghiệp nhóm ngành Kinh doanh và Quản lý có cơ hội việc làm đa dạng trong nhiều ngành nghề. Trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, sinh viên phải có khả năng thích ứng cao, trong đó ngoại ngữ đóng vai trò rất quan trọng, là điều kiện mở rộng cơ hội việc làm tốt.

Để đạt điều mong muốn về hiệu quả việc làm phải là một quá trình. Người trẻ cần phải có một kiến thức nghề nghiệp, đặc biệt là năng lực tổ chức công việc thật hiệu quả. Tuy bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định sự thành công, nhưng ngành nghề nào muốn có thu nhập cũng đều phải có sự đầu tư về mặt lao động và kiến thức. Và theo đánh giá của tôi, quyết định chọn nghề, sự phù hợp nghề là yếu tố cần thiết nhất trong quá trình hành nghề của mọi người.

Với số lượng đăng ký như vậy, theo ông, điểm chuẩn liệu có tăng hay không?

- Hiện nay, các trường dành chỉ tiêu cho nhiều phương thức xét tuyển. Do đó, chỉ tiêu phương thức xét điểm thi còn khá ít. Xu hướng cấu trúc đề thi trong những năm gần đây cũng khá nhẹ nên tôi dự báo điểm chuẩn sẽ được đẩy lên cao trong nhóm ngành Kinh doanh và Quản lý.

Xin cảm ơn TS Nguyễn Ngọc Duy Phương!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn