MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hợp đồng của Quốc Cường và phụ huynh.

Doanh nghiệp học trực tuyến bị tố lừa đảo: Nhà trường không biết công ty này đến từ đâu

Nguyễn Hà - Văn Thắng LDO | 03/08/2018 20:00

Lãnh đạo trường Tiểu học Thanh Giang (huyện Thanh Miện, Hải Dương), nơi có nhiều phụ huynh tố doanh nghiệp kinh doanh phần mềm học trực tuyến Quốc Cường lừa đảo, cho biết, do không am hiểu nên "họ xin vào trường cũng cho vào".

Phụ huynh Hải Dương tố doanh nghiệp kinh doanh phần mềm học trực tuyến Quốc Cường có dấu hiệu lừa đảo, thu hàng triệu đồng mỗi phụ huynh, sau đó bặt vô âm tín. PV Lao Động đã liên hệ với lãnh đạo trường Tiểu học Thanh Giang (huyện Thanh Miện) - nơi có nhiều trường hợp phụ huynh rơi vào cảnh đóng tiền học mà không thấy giáo viên đâu - để tìm hiểu thông tin.

Nhà trường không biết công ty này đến từ đâu

Theo lãnh đạo Trường Tiểu học Thanh Giang, khoảng giữa năm học 2017 - 2018 có một nhóm người xin vào trường, đến các lớp để tư vấn về phần mềm học trực tuyến nên nhà trường cho vào. Lãnh đạo trường này giải thích do nhà trường không tổ chức học thêm, dạy thêm gì, nếu gia đình có nhu cầu, học sinh có nhu cầu thì đăng ký học thêm cũng tốt. Sau đó nhóm người này lên các lớp, hỏi nhà em nào có kết nối mạng, rồi xin địa chỉ các em để đến từng nhà để cài đặt, kết nối mạng, làm hợp đồng với phụ huynh.

Phụ huynh bức xúc tố doanh nghiệp Quốc Cường lừa đảo.

Khi được hỏi về việc khi nhóm người này vào có xin phép hay giới thiệu rõ ràng gì về doanh nghiệp, công ty hay không, lãnh đạo trường Tiểu học Thanh Giang nói rằng: “Không, lúc đó họ vào cũng tầm trưa, tôi cũng không am hiểu, cũng không hỏi họ gì cả. Họ nói cho họ vào thì tôi cho chứ cũng không biết công ty này đến từ đâu. 

Nhưng sau đó chỉ học được vài buổi là không thấy dạy nữa, có vài trường hợp đến trao đổi với tôi về vấn đề này, nhưng thật ra tôi cũng không biết, nghe phụ huynh nói như vậy, tôi cũng nghĩ là có dấu hiệu lừa đảo. Khi phụ huynh đặt vấn đề này, tôi thử liên lạc với các số điện thoại ghi trên hợp đồng nhưng không được".

Có dấu hiệu gian lận

Tại huyện Ninh Giang (Hải Dương), tình trạng này cũng diễn ra phổ biến. Trao đổi với Lao Động, ông Lê Tiến Đạt, Phó Trưởng Phòng GDĐT huyện Ninh cho biết đã nhận được thông tin phản ánh của phụ huynh học sinh và đang giao cho các bộ phận rà soát ở các đơn vị trường học.

Phòng Giáo dục Đào tạo huyện Ninh Giang, Hải Dương. Ảnh: Văn Thắng

“Đầu tiên, chúng tôi đang rà soát lại học sinh, sau đó tìm hiểu về việc học sinh nhận được thông tin bằng con đường nào. Có thể có em biết được thông tin qua điện thoại, truyền miệng hay cách thức nào đó. Sau khi rà soát, chúng tôi sẽ làm việc với nhà trường để có thông tin, nhưng trước mắt chúng tôi đã làm việc với các hiệu trưởng để quán triệt vấn đề này” – ông Đạt nói.

Ông Đạt khẳng định: "Không có bất cứ doanh nghiệp nào làm việc với Phòng Giáo dục về vấn đề này. Qua nghiên cứu hồ sơ hợp đồng và phản ánh của phụ huynh, chúng tôi cũng thấy rằng doanh nghiệp này có dấu hiệu làm ăn không nghiêm túc, chúng tôi đang tìm hiểu thêm để đưa ra kết luận chính xác".

Lao Động sẽ tiếp tục thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn