MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhóm BK Farmers (ĐH Bách khoa Hà Nội) cùng giảng viên hướng dẫn TS. Nguyễn Ngọc Kiên. Ảnh: NVCC

Độc đáo dự án sáng tạo “Máy đan giỏ” của nhóm sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội

Thiều Trang - Hồng Nhật LDO | 28/03/2021 18:17

"Máy đan giỏ" là dự án khoa học của nhóm sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội đã xuất sắc đạt giải Nhì trong cuộc thi "Sáng tạo trẻ Bách khoa 2020”. Dự án được đánh giá có giá trị thực tiễn cao trong phát triển kinh tế và thể hiện sự nghiêm túc trong việc nghiên cứu ứng dụng khoa học và khả năng sáng tạo của sinh viên Việt Nam.

Ý tưởng xuất phát từ bài toán kinh tế thực tiễn

Hiện nay, xu hướng thay thế các sản phẩm từ nhựa và kim loại bằng những sản phẩm từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường được nhiều quốc gia quan tâm. Đặc biệt, nhu cầu trang trí nội thất bằng những sản phẩm này cũng trở nên thịnh hành.

Điều này đã làm cho các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam rất được ưa chuộng và góp phần đem lại nguồn lợi xuất khẩu cao. Tuy nhiên, đây lại là những mặt hàng thiếu tính ổn định và tính đồng đều trong chất lượng, tốn nhiều nhân lực và thời gian trong sản xuất.

Nắm bắt thực trạng trên, nhóm sinh viên BK Farmers đã bắt tay vào việc thực hiện hiện dự án “Máy đan giỏ” nhằm tự động hóa hoạt động kinh tế thủ công năng suất thấp thành hoạt động sản xuất mang lại năng suất và lợi ích kinh tế cao hơn. Nhóm có 5 thành viên hiện đang học tập tại ĐH Bách Khoa, gồm: Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Hoàng Anh, Nguyễn Công Thương, Nguyễn Ngọc Anh và Đỗ Như Đông.

Nhóm sinh viên tiến hành nghiên cứu sản phẩm ngay tại ĐH Bách Khoa Hà Nội. Ảnh: NVCC

“Theo tìm hiểu của nhóm, cây sả java hiện nay được sử dụng như một nguồn nguyên liệu thay thế giúp tạo ra những sản phẩm có thể đem ra xuất khẩu.

Đây cũng là loài cây dễ trồng, không kén đất và diện tích trồng đang ngày càng mở rộng. Sả được sử dụng để chưng cất tinh dầu nhưng phụ phẩm lại bị lãng phí. Do đó, nhóm có ý tưởng tận dụng nguồn nguyên liệu này để phát triển” - Sơn chia sẻ thêm.

Sản phẩm mang tính ứng dụng cao

Được biết, để thực hiện dự án, nhóm phải xây dựng kế hoạch kỹ lưỡng, từ việc lên ý tưởng, nghiên cứu, tìm hiểu, đưa ra nguyên lý, đưa ra thiết kế 3D, chế tạo hiệu chỉnh và hoàn chỉnh sản phẩm. Theo đó, máy được thiết kế khá nhỏ gọn, cơ chế vận hành đơn giản nhưng có thể đem lại hiệu quả cao.

Nói về cơ chế hoạt động của máy đan giỏ tự động, Nguyễn Công Thương cho biết, thiết bị được vận hành theo nguyên tắc mô đun hóa, bao gồm 2 cụm chính là cụm đệm dây và cụm đan.

Lá sả khi được đưa vào sẽ được chuyển đến cụm đệm dây rồi được cuốn lại thành cuộn phôi, sau đó được chuyển sang cụm đan, thành phẩm có thể là giỏ, bình hoặc đĩa. Bên cạnh đó, kích thước của sản phẩm sẽ được thay đổi tùy thuộc vào thiết bị định hình.

Hệ thống máy đan giỏ tự động. Ảnh: NVCC

Đặc biệt, đây là dự án chưa từng có ở trong nước và quốc tế, do đó, có nhiều triển vọng khi ứng dụng thực tiễn.

“Nếu như năng suất thực tế khi đan thủ công 1 chiếc giỏ sẽ mất từ 2 đến 2 tiếng rưỡi, thì với chiếc máy này chỉ cần từ 10 đến 20 phút đã cho ra thành phẩm.

Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm ổn định, không cần phụ thuộc vào tay nghề của người thợ thủ công. Mỗi sản phẩm làm ra sẽ có giá thành dao động từ 150.000 đến 300.000 đồng” - Thương nhấn mạnh.

Sản phẩm thí nghiệm của nhóm. Ảnh: NVCC

Chia sẻ về kế hoạch phát triển của sản phẩm, Đỗ Như Đông cho biết, giai đoạn đầu tiên nhóm sẽ tiếp cận thị trường bao gồm: Nghiên cứu thị trường, tìm hiểu xu hướng, tìm ra khách hàng tiềm năng. Trong đó, khách hàng tiềm năng mà nhóm hướng đến là các làng nghề thủ công mỹ nghệ, các doanh nghiệp và các vùng trồng nguyên liệu lớn.

Giai đoạn 2 nhóm sẽ chế tạo các phiên bản thử nghiệm kết hợp sản xuất thực tế ở làng nghề Phú Vinh và cuối cùng là tối ưu hóa chi phí sản xuất đại trà, quảng cáo để sản phẩm được nhiều người biết đến.

Tại cuộc thi "Sáng tạo trẻ Bách khoa 2020”, nhóm nghiên cứu BK Farmers được ban giám khảo đánh giá rất cao về ý tưởng và sự nỗ lực trong quá trình thực hiện, hứa hẹn đây sẽ là một thiết bị hỗ trợ hoạt động sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ mang lại năng suất và lợi ích kinh tế cao.

Đặc biệt, PGS Nguyễn Đình Tùng – Viện Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp - Bộ Công Thương - ban giám khảo đã dành nhiều lời khen cho dự án.

"Từ vòng đầu tuyển chọn, nhóm chỉ có một bản vẽ rất sơ đẳng, nhưng nhóm đã có bước tiến dài, từ việc xây dựng bản vẽ hoàn chỉnh các bạn đã hoàn toàn thành công với sản phẩm thực. Tôi đánh giá rất cao về nguyên lý máy có đủ các loại cơ cấu, đây là một bộ máy hoàn chỉnh. Mong rằng các bạn sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai" - PGS Tùng nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn