MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ tham quan các sản phẩm học tập tại ngày hội.

Độc đáo hình thức kiểm tra, đánh giá không đặt nặng thi thố, điểm số

Bích Hà LDO | 25/04/2021 07:12

“Tôi là ai giữa cội nguồn dân tộc”, “Hà Nội trong mắt tôi”, “Dấu ấn Việt Nam”,… là tên các dự án mà học sinh Trường Phổ thông liên cấp Olympia “trả bài” cho giáo viên sau gần một năm “học mà chơi, chơi mà học” tại trường. Không căng thẳng, đặt nặng việc thi thố, điểm số, ở đây, sự trưởng thành của học sinh, khả năng vận dụng kiến thức sách vở vào giải quyết các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống… chính là thước đo quan trọng nhất để đánh giá học trò.

Đa dạng hình thức học tập

Ngắm nhìn những cô cậu học trò của mình hào hứng thực hiện sản phẩm, say sưa thuyết trình, đặt hết tâm huyết và sự sáng tạo vào những dự án được trưng bày tại Ngày hội Showcase và Hướng nghiệp do Trường Phổ thông liên cấp Olympia tổ chức ngày 24.4, cô Nguyễn Thị Minh Thủy – Tổ trưởng Tổ Ngữ văn THPT của trường - không giấu được ánh mắt hạnh phúc, tự hào.

Vui, tự hào là bởi đây là kết quả của cả quá trình phấn đấu, nỗ lực và trưởng thành của cô và trò trong gần 1 năm học.

Việc kiểm tra, đánh giá được Trường Olympia thực hiện thông qua các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo trong Ngày hội Showcase.

Trước khi bắt đầu năm học mới, với vai trò là người hướng dẫn học sinh học tập, toàn bộ giáo viên của trường đã cùng ngồi lại để xây dựng kế hoạch dạy học với mục tiêu hướng đến tích hợp liên môn, đa dạng hình thức học tập và kiểm tra đánh giá. Đích đến cuối cùng của việc này là học sinh hào hứng học tập, không bị áp lực bởi những kỳ thi và điểm số.

Chẳng hạn, với khối 11, cô Thủy và đồng nghiệp đã tích hợp liên môn Ngữ văn - Âm nhạc - Mỹ thuật - Tin học trong dự án học tập liên môn “Tôi là ai giữa cội nguồn dân tộc”. Mục tiêu của những bài học là giúp học sinh hiểu được quá trình hình thành "danh tính cá nhân" luôn được đặt trong "căn tính, bản sắc dân tộc". Để biết lắng nghe, tôn trọng cái riêng, cái khác biệt của chính mình và của mọi người.

Với học sinh lớp 12, các kiến thức Lịch sử và Địa lý được tích hợp trong dự án “Dấu ấn Việt Nam”, để sau này lựa chọn con đường nào sau khi rời mái trường phổ thông, học sinh cũng có thể nhớ và tự hào kể về dấu ấn, con người Việt Nam.

Còn với các môn Khoa học tự nhiên, giáo viên của trường cũng chủ động xây dựng chương trình tích hợp để không trùng lắp kiến thức, hướng đến việc học sinh có thể vận dụng ngay những lý thuyết trong sách vở để giải quyết vấn đề thực tiễn mà cuộc sống đặt ra.

Điều đặc biệt của việc xây dựng chương trình tích hợp môn học này là giáo viên luôn hướng đến và đòi hỏi học sinh làm ra những sản phẩm cụ thể và đánh giá việc tiếp thu kiến thức của các em qua sản phẩm, chứ không phải bằng kỳ thi, tiết kiểm tra thường thấy ở các trường phổ thông hiện nay.

Và Ngày hội Showcase tổ chức ngày 24.4 chính là cơ hội để học sinh “báo cáo” với giáo viên, phụ huynh về kết quả, những nỗ lực và kiến thức mình đã lĩnh hội được trong năm học bằng những sản phẩm, hoạt động rất cụ thể. Ở đó, học sinh là trung tâm, với các vai trò Ban tổ chức, người thuyết trình- giới thiệu các sản phẩm và dự án học tập của mình.

Sân khấu hóa các hình thức kiểm tra ngữ văn - xã hội.

Đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng có lợi cho người học

“Áp lực học hành, thi cử, bệnh thành tích”… là những cụm từ hay được nhắc đến để chỉ hậu quả của việc điểm số được coi trọng hơn việc học. Trong tư duy của không ít phụ huynh và giáo viên hiện nay, điểm số được coi là thước đo, đánh giá học sinh. Việc này dẫn đến sự nguy hiểm là học sinh sẽ học thuộc lòng chỉ để thi và có thể sau đó một tuần là quên hết.

Trong bối cảnh ngành giáo dục đang thực hiện đổi mới chương trình GDPT theo hướng tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực người học… thì việc đổi mới trong kiểm tra, đánh giá là cần thiết. Và Trường Phổ thông liên cấp Olympia là một trong những trường đi đầu trong việc đổi mới này.

Nhiều năm qua, học sinh của trường được đánh giá bằng nhiều hình thức khác nhau, thông qua các hoạt động hỏi - đáp, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm... Việc này sẽ giúp học sinh phát huy được năng lực, khả năng sáng tạo, cũng như vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống, thay vì học thuộc lòng kiến thức.

Tham gia các gian trưng bày sản phẩm học tập của học sinh trong Ngày hội Showcase, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ ghi nhận sự sáng tạo, năng động của lãnh đạo nhà trường; sự chủ động, tự tin của học sinh. Đặc biệt là sự đổi mới phương pháp, cách dạy học của các thầy cô giáo theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, cá biệt hóa đối tượng người học.

Theo ông, mô hình học tập, cách kiểm tra, đánh giá này cần được nhân rộng và lan tỏa hơn nữa, vì nó có lợi, hướng đến sự tiến bộ của học sinh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn