MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Độc đáo ý tưởng khởi nghiệp bằng STEM của sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội

Đức Mạnh - Thiều Trang LDO | 23/12/2020 20:16

BrickOne - Hệ sinh thái giáo dục STEM made in Việt Nam là dự án khởi nghiệp của sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, xuất sắc có mặt trong vòng chung kết cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp 2020". Dự án sáng tạo của các bạn sinh viên đã mang theo khát vọng phát triển vững mạnh nền giáo dục nước nhà.

Những bước đi đầu tiên

STEM là hình thức giáo dục kết hợp giữa khoa học kỹ thuật công nghệ và gần đây mở rộng đến lĩnh vực nghệ thuật. Về lâu dài, STEM sẽ kích thích học sinh thay đổi tư duy từ thực hành sang thực tiễn.

Dự án khởi nghiệp “Brick One - Mô hình đào tạo cơ điện tử dành cho học sinh phổ thông” của sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội được cấu tạo là một bộ sản phẩm dạy học STEM, dạy về khoa học kỹ thuật bằng những mô hình dưới dạng lắp ghép kèm theo sách hướng dẫn giúp cho học sinh có thể tư duy, tìm tòi sáng tạo lắp từng mảnh ghép với nhau.

Đây là mô hình học ngoại khóa, dành cho học sinh mẫu giáo, cấp 1, cấp 2, cấp 3 và cả sinh viên các trường đại học, cao đẳng nghề, các trung tâm dạy STEM.

Một góc gian hàng của BrickOne tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2020. Ảnh: Đức Mạnh

Vũ Lan Hương - thành viên trong nhóm khởi nghiệp chia sẻ: "Ý tưởng của nhóm bắt nguồn từ một người anh học cùng trường. Anh nhận thấy STEM rất hay và phù hợp cho trẻ nhỏ nên mong muốn xây dựng được một hệ thống giáo dục STEM giá rẻ, đặc biệt là "made in Việt Nam". Từ đó phổ cập đến nhiều đối tượng học sinh trong nước, kể cả ở trường công lập".

Sau một năm hoạt động, đến nay dự án khởi nghiệp BrickOne đã đi vào hoạt động dưới 2 hình thức chính là online và offline, thu hút gần 400 học viên trên toàn quốc.

Một buổi học của BrickOne có rất nhiều hoạt động giáo dục khiến học sinh hào hứng. Ảnh: NCC

Thành công là vậy, song trên chặng đường phát triển, dự án khởi nghiệp của các bạn sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội gặp không ít khó khăn.

Đại diện nhóm cho biết, đây là mô hình học tập còn khá mới mẻ ở Việt Nam nên độ tiếp cận với học sinh còn hạn chế, hơn nữa kỹ năng sư phạm của các thành viên trong nhóm phải luôn trau dồi và thích ứng với từng lứa tuổi học sinh. Nhưng vì đam mê, vì mong muốn góp phần vào phát triển nền giáo dục nước nhà nên cả nhóm đã nỗ lực hoàn thành công việc.

Điều tạo nên sự khác biệt

BrickOne đã từng tham gia nhiều cuộc thi khởi nghiệp, nhiều cuộc triển lãm công nghệ cũng như dạy thí điểm tại các trường học rồi mới chính thức đưa vào kinh doanh.

Nhóm dự án khởi nghiệp đã tham gia nhiều cuộc thi và đạt thành tích cao. Ảnh: NCC

Lan Hương cho biết, có 2 điểm chính khiến BrickOne trở nên khác biệt. Thứ nhất, giáo trình được biên soạn bởi các cố vấn học tập từ trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và người giảng dạy là sinh viên. Thứ hai, các sản phẩm thiết bị của BrickOne được chủ động nghiên cứu tại phòng nghiên cứu trường của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Tất cả điều kiện trên giúp dự án khởi nghiệp có cơ sở hoạt động và phát triển về lâu dài.

Cách tiếp cận của STEM cũng rất đặc biệt, thầy cô sẽ giúp trẻ tự tìm hiểu và vui chơi trước, sau đó mới đưa dần kiến thức vào. Từ đó, trẻ sẽ ít gặp khó khăn trong việc tiếp cận với hình thức giáo dục mới lạ này.

Một số mô hình công nghệ tiêu biểu được đưa ra triển lãm. Ảnh: Đức Mạnh

Phạm Đức Trung - thành viên dự án cũng chia sẻ thêm: "Nếu ngày xưa, các bé chỉ mua xe điều khiển từ xa để chơi thì bây giờ, trung tâm mình sẽ dạy các bé tự hoàn chỉnh các bộ phận từ bánh răng, hộp số, đến lập trình. Bên cạnh đó, một bộ sản phẩm bán ra có thể lắp ghép được rất nhiều đồ vật khác nhau, tùy vào trí sáng tạo của các bé".

Tất cả thành viên trong nhóm đều hy vọng, trong tương lai gần mô hình BrickOne sẽ được nhân rộng. Ảnh: Đức Mạnh

Chia sẻ về tương lai của dự án, Phạm Đức Trung cho biết, mong muốn chung của đội ngũ BrickOne là nhân rộng thêm nhiều trung tâm giáo dục áp dụng STEM và thương mại hóa bộ sản phẩm, để giúp nhiều học sinh tiếp cận với mô hình giáo dục công nghệ, góp phần phát triển nền giáo dục quốc gia.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn