MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
"Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục" là một trong những tài liệu được sử dụng để dạy học sinh học tiếng Việt.

Đọc thơ theo ô vuông, tam giác trong sách Công nghệ giáo dục: Đừng vội chỉ trích

Bích Hà LDO | 08/09/2018 16:00
Giáo viên và các chuyên gia ngôn ngữ, giáo dục đều cho rằng phụ huynh nên bình tĩnh, không nên có thái độ chê bai, chỉ trích bất kể phương pháp dạy học nào – trong đó có việc dạy đánh vần theo sách “Công nghệ giáo dục” – khi chưa hiểu rõ về nó.

Ô vuông, tam giác… chỉ là ký hiệu để đếm tiếng

Trên mạng xã hội những ngày qua, nhiều người bức xúc chia sẻ các clip học sinh tập đọc thơ qua các hình tam giác, ô vuông.

Theo đó, trang sách in sẵn hai dòng ô vuông, các em học sinh được chỉ thứ tự từng ô vuông và đọc vanh vách hai câu thơ “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ", nhưng lại không nhận diện được từng chữ.

Ngay sau khi những clip này được chia sẻ, cộng đồng mạng tranh cãi gay gắt. Phần lớn đưa ra bình luận tiêu cực, cho rằng phương pháp học này phản khoa học, khó hiểu. Thậm chí, cộng đồng mạng chỉ trích GS Hồ Ngọc Đại và bất cứ ai lên tiếng bảo vệ phương pháp học tiếng Việt theo sách “Công nghệ giáo dục”.

Một trang trong sách Tiếng Việt Công Nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại.  

Trước luồng dư luận này, không ít giáo viên đã lên tiếng giải thích, cách đọc thơ theo ô vuông, tam giác là cách dạy của cuốn sách “Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ Giáo dục”.

Những bài đầu, GS Hồ Ngọc Đại có chủ trương để học sinh học cách tách lời nói thành các tiếng, để học sinh hiểu cách đọc lời thơ đó, chứ chưa phải học cách đánh vần, học chữ.

Khi đó, trẻ sẽ hình dung mỗi ô vuông, tam giác là khối chữ trên trang sách, từ đó sẽ không đọc thừa chữ, thiếu chữ. Khi học sinh đã nắm được về tiếng và kí hiệu ghi lại tiếng, giáo viên mới chuyển sang dạy học sinh chữ cái.

“Phụ huynh có thể bỏ chút thời gian tìm hiểu. Ô vuông, tròn thực chất chỉ là ký hiệu tạm quy ước để giúp trẻ đếm số tiếng trong một câu, vậy mà phụ huynh không hiểu lại suy diễn đây là một dạng chữ viết.

Nếu chưa biết có thể trao đổi với giáo viên của con, thay vì chưa hiểu đã đưa ra những bình luận chỉ trích, sẽ chỉ gây hoang mang trong dư luận”- một giáo viên đang dạy lớp 1 theo sách “Công nghệ giáo dục” tại Thái Bình chia sẻ.

Đừng vội vàng kết luận, bài xích

Theo PGS-TS Phạm Văn Tình - Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam – vấn đề liên quan đến sách “Công nghệ giáo dục” không có gì đáng phải làm ầm Ĩ lên.

“Phương pháp đánh vần theo sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đã có từ lâu lắm rồi. Mục tiêu là học trò phải nhận được mặt chữ và phải phát âm, đọc được. Để đến được mục đích đó thì có nhiều con đường, phương pháp khác nhau. Và Công nghệ giáo dục cũng là một trong những phương pháp đó.

Ở Nga, người ta cũng phải đánh vần. Ở Mỹ, ngày xưa cũng dạy học chữ theo kiểu phân ra nguyên âm, phụ âm, cũng theo phương pháp của thầy Hồ Ngọc Đại, học từ âm vị, âm tiết, sau đó mới học phát âm.

Tuy nhiên, sau đó họ lại chuyển sang cách học theo phương pháp truyền thống, đó là đọc từ trước, đi từ khái quát đến cụ thể. Và bây giờ, họ đã tận dụng, kết hợp cả hai phương pháp một cách hiệu quả nhất để học trò vừa phát âm được mà vẫn nhận diện được bảng chữ cái, chứ không loại trừ, không bài xích phương pháp nào. Bởi mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng, mục tiêu là để học trò đọc viết thành thạo”- PGS Phạm Văn Tình chia sẻ.

PGS-TS Phạm Văn Tình.

Ông cũng cho rằng, sắp tới sẽ thực hiện chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, tức là chấp nhận nhiều phương pháp khác nhau để đi đến cùng một mục đích.

PGS Phạm Văn Tình gửi lời tới phụ huynh: “Tôi mong phụ huynh nên bình tĩnh để xem xét phương pháp nào hay hơn thì lựa chọn cho con mình học. Chúng ta có thể không đồng tình, nhưng chớ vội vàng chê bai, chỉ trích”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn