MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đổi mới chương trình nhưng bệnh thành tích trong giáo dục chưa giảm

Tường Vân LDO | 19/01/2024 06:15

Theo ý kiến chuyên gia giáo dục, hiện nay, mặc dù học sinh đã học theo chương trình mới, song bệnh thành tích vẫn chưa giảm.

Học sinh quá áp lực

"Các con học áp lực, vất vả quá" - chị Lê Thị Linh (Thanh Hoá) thốt lên khi được hỏi về việc học tập của cậu con trai lớp 1.

Người mẹ trẻ nói rằng, ở bậc tiểu học, chị không đặt nặng kiến thức hay điểm số, mà muốn tạo cho con tâm lí thoải mái và yêu thích đến trường, yêu thích việc học. Song, chị nhận xét, việc học của con quá nặng nề, áp lực.

"Cô giáo giao nhiều bài tập về nhà đến nỗi con thường xuyên phải luyện viết đến khuya. Giai đoạn ôn thi học kì, cô còn in và phát 1 xấp đề minh hoạ để các con luyện. Con ám ảnh việc học đến mức thường xuyên dặn mẹ gọi dậy lúc 5h sáng để viết bài. Kết quả, điểm thi của con rất cao, nhưng tôi không cảm thấy vui mà chỉ thấy thương con vất vả" - chị Linh than thở.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu từ năm học 2020 - 2021. Theo lộ trình, sau 5 năm, chương trình mới sẽ được triển khai cuốn chiếu hết cả 3 cấp học với tất cả các khối lớp.

Chương trình giáo dục phổ thông mới được kì vọng sẽ phát huy năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo của học sinh.

Tuy nhiên, thực tế, rất nhiều phụ huynh có con trong độ tuổi đến trường, đều nhận xét, việc học tập, kiểm tra đánh giá hiện nay đang tạo áp lực tâm lí lên con trẻ.

Chương trình mới, kiểm tra kiểu cũ làm khó học sinh

TS Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục cho rằng, khi áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các trường sẽ lựa chọn và dạy học theo các bộ sách giáo khoa khác nhau. Điều này đồng nghĩa, sách giáo khoa không còn là pháp lệnh mà chỉ là công cụ tham khảo. Giáo viên được sáng tạo, chủ động trong việc dạy học, phát huy phẩm chất, năng lực của người học thay vì lối truyền thụ kiến thức 1 chiều: Cô đọc, trò chép như trước kia.

“Để làm tốt chương trình lần này, cả học sinh và giáo viên phải biết cách học chủ động” – TS Vũ Thu Hương nói.

Ủng hộ quan điểm đổi mới, song, bà Hương chỉ ra 1 thực tế hiện nay, việc triển khai chương trình mới không theo đúng lộ trình, không đồng bộ, kể cả quy trình kiểm tra đánh giá lẫn quá trình học. Điều dễ nhận ra nhất, là học sinh, dù mới ở bậc tiểu học, phải học ngày, học đêm. Điểm số của các em rất cao, nhưng chưa chắc chất lượng đã được đảm bảo.

Để làm rõ quan điểm của mình, bà Hương dẫn chứng, cùng 1 chương trình, cùng 1 độ tuổi học sinh, song, có trường dạy rất kỹ càng, từ từ, có trường lại dạy dồn dập cho đến hết chương trình để dành phần lớn thời gian rèn cho học sinh thi cuối kì.

“Có giáo viên tâm sự với tôi, có đổi hình thức thi kiểu gì các cô vẫn có thể ứng phó. Đổi sang thi vấn đáp họ sẽ ép học sinh học thuộc câu hỏi trả lời. Đổi sang thi trắc nghiệm họ sẽ mớm lời cho học sinh. Đổi sang làm dự án học tập, họ sẽ làm hộ học sinh,…. Bởi bản chất, sức ép 100% học sinh giỏi, xuất sắc để lên trường tiên tiến đã tạo áp lực lên các trường và theo đó, giáo viên sẽ làm đủ mọi cách để học sinh đi thi đạt điểm số cao. Khi các trường vẫn kiểm tra, đánh giá theo lối cũ, chương trình mới lại trở thành gánh nặng với học trò – TS Vũ Thu Hương chia sẻ.

Để giải quyết tình trạng này, bà Hương cho rằng, cần có ban Thanh tra giáo dục về từng trường, khảo sát từng học sinh để hiểu rõ việc kiểm tra, đánh giá hiện nay đang tạo áp lực lên tâm lí học sinh, giáo viên như thế nào.

Đổi mới chương trình nhưng bệnh thành tích trong giáo dục chưa giảm. Với kiểu dạy quá vội vàng chỉ vì điểm số cuối kì, áp lực đến học sinh là đương nhiên. Nếu thanh tra giáo dục đến từng trường, hỏi từng học sinh, họ sẽ hiểu, điều quan trọng, không phải thay đổi hình thức thi, kiểm tra, mà cần thay đổi tư duy chạy theo thành tích, chạy theo điểm số,…” – bà Hương nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn