MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phương án thi tốt nghiệp 2+2 tạo sự công bằng, thuận lợi cho tất cả các bên. Ảnh: Hải Nguyễn

Đồng tình với phương án thi tốt nghiệp 2+2 vì tạo thuận lợi cho thí sinh

TRÀ MY LDO | 30/11/2023 19:51

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) chính thức công bố phương án 2+2 cho kì thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Nhiều giáo viên đồng tình và cho rằng, phương án này tạo sự công bằng, thuận lợi cho tất cả các bên.

Bộ GDĐT chính thức công bố phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Theo đó, phương án được lựa chọn là 2+2, tức là thí sinh sẽ thi 2 môn bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Bàn về phương án thi tốt nghiệp này, cô Nguyễn Thị Hương - giáo viên Trường THPT Kỳ Anh (Hà Tĩnh) ủng hộ phương án thi 4 môn. Theo cô Hương, phương án này mang lại nhiều ưu điểm.

“Nhìn chung, việc thi 4 môn sẽ tạo thuận lợi cho tất cả các bên gồm người dạy, người học và lực lượng tổ chức thi. Đối với người học, các em cần tập trung vào hai môn bắt buộc Toán và Ngữ văn. Đồng thời, các em sẽ có thể lựa chọn hai môn học khác phụ thuộc vào khả năng cũng như sở trường.

Lựa chọn 2+2 có ưu điểm là giảm áp lực thi cử cho học sinh và giảm chi phí cho gia đình học sinh và cả xã hội. Số buổi thi cũng giảm 1 số buổi thi so với hiện nay” - cô Hương phân tích.

Phương án thi tốt nghiệp 4 môn cũng nằm trong sự ủng hộ của thầy Nguyễn Mạnh Tiến - giáo viên cấp THPT tại tỉnh Hải Dương.

"Tổng cộng số môn thi tốt nghiệp từ năm 2025 của học sinh là 4 môn. Phương án xét về mặt hình thức là giảm số môn thi nhưng bản chất, vẫn đảm bảo cho việc xét tốt nghiệp và việc tuyển sinh đại học theo khối ngành của các trường đại học cũng không thay đổi quá nhiều" - thầy Tiến chia sẻ.

Trước câu hỏi liệu học sinh có thiếu mặn mà, học đối phó với môn ngoại ngữ hay không, thầy Tiến nhận thấy việc học bất cứ môn nào không hẳn là để thi mà liên quan đến định hướng nghề nghiệp và con đường học tập sau này của các em.

"Các em vẫn có quyền lựa chọn môn ngoại ngữ khi tham gia quá trình xét tuyển phụ thuộc nhu cầu và nguyện vọng từng cá nhân. Nếu không thi ngoại ngữ, môn học này vẫn được kiểm tra, đánh giá thường xuyên. Do đó, không phải cứ là môn lựa chọn thì sẽ giảm sự quan trọng" - thầy Tiến bày tỏ.

Liên quan tới vấn đề ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc, GS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục quản lí chất lượng, Bộ GDĐT cho biết, ngoại ngữ là môn học bắt buộc với học sinh từ lớp 3 cho đến lớp 12. Ở bậc đại học, ngoại ngữ cũng là môn học duy nhất tiếp tục được quy định một cách bắt buộc. Cụ thể, về chuẩn đầu ra bậc 2 với trình độ cao đẳng, bậc 3 với trình độ đại học theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc.

"Dù ngoại ngữ không phải là môn thi bắt buộc tại kì thi tốt nghiệp THPT nhưng ngoại ngữ vẫn là môn học bắt buộc với mọi học sinh, từ lớp 3 đến hết các bậc học cao đẳng.

Không thể nói 1 kì thi ảnh hưởng đến chất lượng, quá trình dạy và học. Chúng tôi quan điểm quá trình dạy học là quá trình xuyên suốt, các em được quyền chọn môn thi để phù hợp trong tương lai, nghề nghiệp" - GS Chương nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn