MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đồng Yên rớt giá mạnh khiến nhiều du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản tìm mọi cách trang trải cuộc sống. Ảnh: NVCC

Đồng Yên giảm, du học sinh Việt Nam tại Nhật xin hỗ trợ từ gia đình

TRÀ MY LDO | 19/11/2023 20:26

Đồng Yên rớt giá mạnh khiến nhiều du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản tìm mọi cách trang trải cuộc sống. Thậm chí, có du học sinh còn phải gọi điện về nhà xin hỗ trợ vì quá chật vật mưu sinh.

Trong bối cảnh đồng Yên rớt giá, nhiều du học sinh Việt Nam cảm thấy "vỡ mộng" khi đã quyết định đặt chân sang Nhật Bản.

Viễn cảnh về cuộc sống vừa học vừa làm với lương tháng hơn 20 triệu đồng và sẽ giúp gia đình trang trải cuộc sống nhưng chưa đầy một năm, suy nghĩ này của em Nguyễn Mạnh Thắng - du học sinh tại tỉnh Niigata, Nhật Bản đã bị dập tắt.

“Em là du học sinh đi theo hệ vừa học vừa làm sang Nhật từ năm 2021. Khi sang Nhật Bản, em đặt ra mục tiêu sau khi hoàn thành khoá học 4 năm tại đây sẽ có một tấm bằng đại học mang về để xin việc tại Việt Nam. Bên cạnh đó, muốn bám trụ tại nơi này đồng nghĩa với việc em phải chăm chỉ làm việc, vừa là để đóng tiền sinh hoạt, vừa là để giúp đỡ gia đình.

Nhưng thật sự, hiện tại thì em chỉ mong muốn nhanh chóng hoàn thành khóa học để trở về nước. Vì đã nhiều tháng nay, gia đình em phải gửi thêm tiền từ Việt Nam sang để hỗ trợ thêm” - Mạnh Thắng cho hay.

Cũng theo Mạnh Thắng, thời điểm em mới đặt chân đến nước Nhật, ít nhất vẫn gửi về cho gia đình từ 20 - 22 triệu đồng/tháng, nhưng hiện tại, số tiền nhận được nếu quy đổi ra tiền Việt chỉ được 15 - 16 triệu/tháng. Trong khi đó, tại Nhật chi phí sinh hoạt rất đắt đỏ, bất cứ món hàng gì cũng tăng lên chóng mặt.

“Cách đây 2 năm, 1 man ở Nhật Bản sẽ có giá khoảng 2,2 triệu đồng tiền Việt. Tuy nhiên, hiện tại, 1 man chỉ có giá trị hơn 1,6 triệu đồng. Nếu làm được 10 man/tháng thì rơi vào khoảng 16,5 triệu đồng.

Không những thế, đồng Yên giảm nhưng chi phí sinh hoạt ở đây lại ngày một tăng cao. Tính riêng thực phẩm, giá đã cao gấp 3 - 4 lần tại Việt Nam. Điều này khiến em cùng nhiều bạn du học sinh khác phải chần chừ mỗi khi đi siêu thị” - Thắng bộc bạch.

Tương tự như Mạnh Thắng, em Trần Gia Linh - du học sinh tại thành phố Okinawa, Nhật Bản cho biết, bản thân cũng rất chật vật vì đồng Yên ngày càng trên đà giảm mạnh.

Thậm chí, nhiều tháng nay Gia Linh không dám gửi tiền về cho gia đình vì chênh lệnh tỉ giá so với trước đây quá lớn.

“Khoảng 4 tháng nay, em chưa gửi tiền về cho gia đình mặc dù ở nhà kinh tế cũng đang rất khó khăn. Nếu như trước đây, đều đặn mỗi tháng em gửi về cho gia đình 20 triệu nhưng hiện tại, em không gửi tiền về vì lịch học quá nhiều, thời gian đi làm thêm cũng bị hạn chế - Gia Linh buồn và không khỏi thất vọng trước việc đồng Yên ngày càng giảm sâu.

Nếu trong thời gian tới, đồng Yên không có sự cải thiện, Gia Linh sẽ cân nhắc việc về hẳn Việt Nam. Vì đến thời điểm hiện tại, chương trình học cũng sắp xong, nếu tiếp tục ở lại, Linh sợ sẽ phải mang một khoản nợ mới.

“Nhiều người thường cho rằng du học sinh nếu xác định sang Nhật thì gia đình thường rất có điều kiện và không mấy phải lo lắng điều gì. Nhưng bản thân em khi xa quê với bao quyết tâm, hi vọng tự mình kiếm ra thu nhập chứ không muốn dựa dẫm vào bố mẹ.

Việc đồng Yên giảm mạnh cộng thêm việc không thể làm thêm khiến một số du học sinh phải xin trợ cấp từ gia đình là điều thật sự rất đáng buồn và xấu hổ. Em chỉ mong trong thời gian sớm nhất, đồng Yên sẽ tăng giá trở lại, người lao động, người đi học sẽ bớt chật vật hơn” - Gia Linh tâm sự.

Không chỉ riêng du học sinh mà những người lao động Việt Nam tại Nhật Bản cũng đang đau đầu khi tiền gửi về gia đình, đồng Yên giảm nhưng lương không tăng, người lao động phải cố gắng chi tiêu dè sẻn hơn.

Sang Nhật Bản được gần 8 năm, chị Lê Thị Kim Chi - nhân viên phục vụ tại một cửa hàng ăn tại Nhật Bản cảm thấy hụt hẫng khi đồng Yên ngày càng giảm sâu.

"Những đồng tiền gửi về cho gia đình nay thưa thớt hơn hẳn, thậm chí tiền lương của chúng tôi khi quy đổi ra tiền Việt còn không bằng tiền lương của người lao động trong nước. Thật sự khá hụt hẫng vì giá trị đồng tiền kiếm được thấp hơn nhiều so với áp lực công việc. Chúng tôi cũng đang trông ngóng từng ngày đồng Yên lên giá mới dám gửi tiền về” - chị Kim Chi nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn