MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mục tiêu của đề án Sữa học đường là cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học. Ảnh: N.H

Dự án sữa học đường: Có hay không chuyện sữa quá đát vào trường học?

Bích Hà LDO | 15/10/2018 08:30
Lo lắng về chất lượng sữa, có hay không việc sữa quá đát được “tuồn” vào trường học, ai chịu trách nhiệm nếu không may trẻ ngộ độc do uống sữa?... Những lo ngại này của phụ huynh được đại diện Sở GDĐT Hà Nội cho là hoàn toàn chính đáng.

“Phụ huynh hãy an tâm”

Đề án sữa học đường giai đoạn 2018 - 2020 đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt. Mục tiêu của đề án là có hơn 90% số trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa theo Chương trình Sữa học đường, góp phần giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em.

Có điều những ngày qua, không ít phụ huynh đã bày tỏ băn khoăn về dự án được cho là nhân văn này. Lo lắng lớn nhất của phụ huynh là về chất lượng sữa, liệu doanh nghiệp có đưa sữa sắp hết hạn sử dụng vào trong trường…

Trước những lo ngại của phụ huynh, trong buổi tọa đàm liên quan đến chủ đề “Sữa học đường” diễn ra mới đây tại Hà Nội, ông Phạm Ngọc Tuấn - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GDÐT Hà Nội) đã giải đáp những băn khoăn này.

Ông Tuấn khẳng định những lo lắng của phụ huynh là hoàn toàn chính đáng, nhưng mong phụ huynh hãy an tâm.

“Về vấn đề hạn sử dụng, chúng tôi sẽ yêu cầu, nếu một trường có hơn 3.000 học sinh thì phải cung cấp sữa hàng ngày. Còn với trường ít học sinh thì một tuần trở lại phải cung cấp một lần. Vì vậy sẽ không có chuyện sữa quá đát vào trường học. Phụ huynh cứ yên tâm” – ông Tuấn thông tin.

Ông Phạm Ngọc Tuấn - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GDÐT Hà Nội)  giải đáp những băn khoăn về đề án Sữa học đường trong buổi tọa đàm do báo Dân Việt tổ chức chiều 9.10. Ảnh: Dân Việt

Đại diện Sở GDÐT Hà Nội cũng cho biết, sữa học đường sẽ được Bộ Y tế quản lý về chất lượng sữa cung cấp. UBND TP.Hà Nội đã giao Sở Y tế Hà Nội kiểm định chất lượng sữa từ các hãng sữa.

Trong quá trình đấu thầu, hãng sữa nào không đảm bảo chất lượng sẽ bị loại ngay. Hiện nay đã có 11 đơn vị mua hồ sơ đấu thầu.

Cũng theo ông Tuấn, trong quá trình triển khai đề án, những thắc mắc của phụ huynh sẽ được tiếp tục giải thích. 

“Có ý kiến cho rằng "vì thi đua nên phụ huynh phải đăng ký cho con tham gia đề án, tôi xin khẳng định, thông tin này là hoàn toàn sai lệch. Sữa học đường là chương trình lớn, ý nghĩa nhân văn của Chính phủ nhằm góp phần cải thiện tầm vóc của trẻ. Tôi mong các bậc phụ huynh ủng hộ” - đại diện Sở GDĐT Hà Nội nói thêm.

Chưa biết con sẽ uống sữa nào, làm sao ủng hộ?

Đây là băn khoăn của anh Nguyễn Văn An (huyện Thanh Trì, Hà Nội) về đề án sữa học đường. Anh cho rằng việc tạo điều kiện để cho trẻ được uống sữa là tốt, góp phần cải thiện chiều cao, thể lực, nhưng chủ trương này chỉ nhận được sự đồng thuận của dư luận khi mọi khâu được diễn ra công khai, minh bạch.

“Tuần vừa rồi, tại trường tiểu học nơi con tôi đang học, nhà trường có phát phiếu lấy ý kiến của phụ huynh về đề án sữa học đường. Không chỉ tôi và nhiều phụ huynh khác đều chung thắc mắc là con sẽ được uống sữa nào, thành phần là gì, nhưng chưa được giáo viên giải đáp.

Vì chưa biết con mình sẽ được uống sữa gì, có hợp với sở thích của con hay không nên chúng tôi quyết định chờ thêm thời gian để suy nghĩ có nên ký vào phiếu tham gia đề án hay không” – anh Nguyễn Văn An cho biết.

Phụ huynh cũng mong việc đấu thầu sữa sẽ diễn ra minh bạch, vì học sinh. Cơ quan chức năng cần sớm thông tin về hãng sữa trúng thầu, thành phần của sữa để phụ huynh có thêm thông tin về đề án này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn