MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các ngành nghề có cơ hội làm việc rộng mở, mức thu nhập hấp dẫn. Ảnh minh hoạ: Cẩm Hà

Dự báo ngành học lên ngôi năm 2024, mức thu nhập hấp dẫn

trà my LDO | 19/03/2024 19:00

Mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng 2024 tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ngành học mới. Nhiều thí sinh băn khoăn về việc lựa chọn ngành nghề để có cơ hội làm việc rộng mở, mức thu nhập cao.

Ngành hot và cơ hội việc làm

Đón đầu xu thế khi mở ra các ngành đào tạo mới, năm 2024, hàng loạt trường đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng thông tin về các ngành học mới. Trong đó, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng mở chuyên ngành Vi điện tử - Thiết kế vi mạch (ngành Điện tử viễn thông).

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng mở 2 chuyên ngành: Công nghệ ôtô điện thuộc ngành Công nghệ kỹ thuật ôtô; Thiết kế vi mạch thuộc ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông, và dự kiến mở ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo.

Trường Đại học Ngân hàng TPHCM cũng dự kiến mở nhiều ngành, chương trình mới, trong đó có Khoa học dữ liệu, Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng. Tổng chỉ tiêu của nhà trường năm nay là 4.329 sinh viên, tăng gần 700 chỉ tiêu so với năm ngoái.

Hàng loạt trường mở ra các ngành mới, trong đó có những ngành đang được dự báo thiếu nhân lực. Theo số liệu từ Cổng thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, đến cuối năm 2023, cả nước có hơn 5.500 kỹ sư thiết kế chip. Trong khi đó, nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam là 5.000 - 10.000 kỹ sư/năm, song khả năng đáp ứng chưa đến 20%. Dự báo, 5 năm tới, Việt Nam cần khoảng 20.000 người trình độ từ đại học trở lên cho ngành công nghiệp bán dẫn. Con số này cho thấy, thí sinh học, tốt nghiệp ngành này có cơ hội việc làm rộng mở trong tương lai.

Chọn ngành học phù hợp

Trong Ngày hội Tư vấn Tuyển sinh hướng nghiệp năm 2024, Tiến sĩ Phan Đình Quyết - Phó trưởng Phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Thương Mại - cho rằng, ngành “hot” chỉ là xu hướng mang tính thời điểm và sẽ có sự thay đổi trong khoảng 5 - 10 năm.

“Nếu học ngành mình thích, các em sẽ học với tâm thế đam mê và vì thế học được tốt nhất. Khi trang bị tốt các kiến thức, kỹ năng liên quan đến ngành nghề đó thì không lo không tìm được việc làm phù hợp sau khi ra trường,” tiến sĩ Phan Đình Quyết nói.

Theo PGS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học hiện nay trong quá trình đào tạo đều kết hợp nhiều yếu tố khác nhau từ nhiều lĩnh vực để trang bị cho sinh viên nền tảng rộng và phương pháp tự học.

“Khi ra trường, các em cần một công việc để làm, để nuôi sống bản thân và cống hiến cho xã hội. Nhưng trong quá trình học, các em có thể học thêm kiến thức công nghệ, kỹ năng mềm liên quan đến lĩnh vực mình theo đuổi, thêm các nghiên cứu chuyên sâu thì khi bước ra đường đời, sẽ có lựa chọn về nghề nghiệp hơn rất nhiều" - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nói.

Cũng theo bà Thủy, việc học không chỉ dừng lại ở tấm bằng đại học mà là học tập suốt đời, phải liên tục cập nhật, nhất là trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay. Học đại học chỉ là bước đầu tiên trang bị cho sinh viên nền tảng quan trọng nhất và phương pháp để đi con đường dài hơi là phát triển nghề nghiệp, phát triển bản thân. Học một ngành nhưng có thể làm được nhiều nghề.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn