MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần làm sáng tỏ nghi án đạo văn của GS Nguyễn Đức Tồn để lấy lại uy tín cho các nhà khoa học.

Dù giáo sư “đạo văn” hay “bị đạo văn” thì cũng là một hình ảnh xấu

Đặng Chung - Hữu Long LDO | 27/05/2018 15:38
Đạo văn không chỉ ảnh hưởng đến danh dự một con người mà còn gây nguy hại đến uy tín của giới nghiên cứu khoa học. Khi phát hiện một sự vụ nhà khoa học đạo văn, không nên và không thể xử lý theo kiểu nể nang, xuề xòa.

Đây là ý kiến của nhiều nhà khoa học liên quan đến vụ việc GS Nguyễn Đức Tồn – nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học – bị tố đạo văn của học trò xảy ra từ hơn 10 năm trước, nhưng vẫn kéo dài đến bây giờ và chưa có lời giải.

Cần lấy lại uy tín cho nhà khoa học

Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước đã có công văn đề nghị Hội đồng Chức danh ngành Ngôn ngữ học khẩn trương kiểm tra và có ý kiến chính thức bằng văn bản phản hồi về thông tin GS Nguyễn Đức Tồn bị tố “đạo văn”.

Theo thông tin của PV Lao Động, dù sắp đến hạn phải gửi ý kiến (trước ngày 1.6) nhưng Hội đồng chức danh ngành Ngôn ngữ vẫn chưa thống nhất được thời gian họp bàn về sự việc.

Thậm chí mới đây, GS-TS Nguyễn Đức Tồn–người bị tố đạo văn – còn gửi đơn lên Thủ tướng, nhờ đứng ra phân xử.

Trước 1.6 phải có câu trả lời ông Tồn có đạo văn hay không? 

Theo dõi vụ việc này, GS-TS Nguyễn Văn Lợi - nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học VN - cho rằng: “Không thể vì một cá nhân này, một cá nhân khác mà trì hoãn lại vụ việc. Nghi án đạo văn này cần làm rõ trắng đen, để cho không khí học thuật, giáo dục, đào tạo cả nước được trong sạch, lành mạnh.

Trong kiến nghị gửi Thủ tướng, ông Tồn đã cảnh báo công luận rằng, nếu ông bị tước học hàm GS thì sẽ làm xấu mặt các nhà khoa học, làm xấu mặt giới ngôn ngữ học. Ông Tồn đang đánh tráo khái niệm về trách nhiệm đạo đức của một cá nhân với uy tín, danh dự của giới ngôn ngữ học, giới học thuật cả nước.

Ai cũng biết, thật đáng buồn khi có một con sâu có thể làm rầu nồi canh, nhưng việc loại trừ con sâu trong nồi canh là cần thiết, quan trọng. Nên vụ việc đạo văn này cần phải được làm rõ, không thể cả nể, xuê xoa mãi được”.

Đồng quan điểm, PGS-TS Phạm Văn Tình–Tổng Thư ký Hội ngôn ngữ học Việt Nam–cho rằng đã đến lúc cơ quan chức năng cần có câu trả lời rõ ràng về sự việc của ông Nguyễn Đức Tồn. Bởi đây là cách tốt nhất để làm minh bạch, trong sạch đội ngũ trí thức hiện nay, lấy lại danh dự cho những nhà khoa học chân chính.

Ông Tồn "đạo văn" hay cho học trò "đạo văn" đều không thể chấp nhận

Đối với một người làm nghiên cứu khoa học, việc tôn trọng chất xám của người khác là điều cực kỳ quan trọng. 

Trên thế giới, nếu bị phát hiện đạo văn, nhà khoa học sẽ không được công bố công trình nữa. Còn ở nước ta, vấn đề này dường như vẫn bị xem nhẹ, có xu hướng xử lý theo kiểu nể nang.

Thậm chí như trường hợp của ông Nguyễn Đức Tồn, như lời GS –TSKH Trần Ngọc Thêm, dù biết đạo văn nhưng vẫn được phong GS vì “truyền thống nhân văn”.

Còn ông Tồn, khi chia sẻ với báo chí, dù phủ nhận việc mình đạo văn, nhưng ông lại lý giải những nội dung giống nhau trong cuốn sách của ông và luận văn của học trò là vì ông đã cho phép “học trò đạo văn của mình”.

Cũng rất quan tâm đến vụ việc của ông Nguyễn Đức Tồn từ nhiều năm nay, một tiến sĩ ngôn ngữ học (nhân vật xin được giấu tên) thẳng thắn: “Dù kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng là GS-TS Nguyễn Đức Tồn “đạo văn” hay “bị đạo văn”, thì ông cũng là một hình ảnh xấu.

Với tư cách là giáo viên hướng dẫn khoa học, ông lại đồng lõa, cho học trò đạo văn thì thật tồi tệ. Lối suy nghĩ như vậy thực sự không thể nào chấp nhận được, gây nguy hại cho nền khoa học nước nhà…

Làm như vậy, ông Tồn đã vi phạm tiêu chuẩn đạo đức của nhà giáo làm nhiệm vụ hướng dẫn khoa học, và ông không có đủ tiêu chuẩn để được công nhận chức danh GS/PGS theo Quyết định 174/2008/QĐ-TTg".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn