MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Phương (ngoài cùng bên phải) cùng các du học sinh từ nhiều đất nước khác. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Du học sinh hết cảnh đón Tết xa nhà hàng chục nghìn cây số

HẠNH AN LDO | 13/02/2024 06:00

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, đã 3 năm chị Phương chưa thể trở về Việt Nam. Tết Nguyên đán 2024, du học sinh này đã sắp xếp thời gian, tích luỹ kinh tế để trở về quê hương đón Tết cùng bạn bè và người thân.

Nguyễn Ngọc Mai Phương (SN 2001) là du học sinh Hà Lan. Năm 2019, Mai Phương lần đầu tiên đặt chân đến đất nước này để bắt đầu con đường học tập. Từ thời điểm đó, đã 5 năm Mai Phương đón Tết mà không có gia đình bên cạnh.

Mai Phương nhớ lại, năm ngoái, nữ sinh phải đón giao thừa từ 18h tối. Thời gian đầu, việc chênh lệch múi giờ khiến Mai Phương cảm thấy khá lạ lẫm và cũng mất đi cảm giác hồi hộp, rạo rực trước khoảnh khắc bước sang năm mới.

Những ngày học tập nơi đất khách, điều Mai Phương cảm thấy may mắn nhất là được gặp gỡ và ở chung với những người bạn đồng hương. Giữa trời Tây, những du học sinh quan tâm lẫn nhau như gia đình thứ 2, giúp đỡ nhau vơi đi nỗi nhớ nhà khi mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Mâm cơm Phương chuẩn bị để đón giao thừa lúc 18h tối Tết Nguyên đán 2023. (giờ Hà Lan). Ảnh: Mai Phương.

Năm nay, nữ du học sinh đã chuẩn bị để trở về Việt Nam sớm khoảng nửa tháng. "Ở quê, những ngày mà mọi người gác lại việc riêng, cùng nhau tận hưởng niềm vui năm mới. Đây là điều mà khi ở Hà Lan dù có chuẩn bị nhiều thứ tượng trưng, tôi cũng không thể cảm nhận được”, Mai Phương nói.

Chị Phạm Như Phương (SN 1998) là du học sinh Đài Loan (Trung Quốc). Năm 2019 chị bắt đầu vừa đi học vừa đi làm tại đất nước này. Thế nhưng, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, đã 3 năm chị chưa thể trở về Việt Nam.

Khoảng thời gian được nghỉ, chị đã tìm một công việc làm thêm để kiếm thu nhập, phụ giúp gia đình. Gần 4 năm trôi qua, chị Phương cũng chưa từng được ăn Tết tại Việt Nam. Chị dành thời gian nghỉ để giao lưu với các bạn cùng lớp đại học để vơi đi nỗi nhớ quê hương, gia đình tại Việt Nam.

Điều may mắn nhất của chị là có một nhóm bạn nhiều nước: Việt Nam, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Cambodia.

"Chúng tôi đã cùng đón Tết Âm lịch với nhau. Tuy có những nước không có Tết Nguyên đán như Việt Nam nhưng các bạn tôi luôn coi Việt Nam là quê hương thứ 2 của họ. Tết 2023, họ tổ chức ăn Tết cùng tôi. Xa gia đình nhưng tôi cũng được an ủi phần nào”, chị Phương tâm sự.

Năm 2024, sau khi tốt nghiệp đại học, chị Phương chọn "cất cánh" đến Hàn Quốc để tiếp tục học thạc sỹ.

Dành thời gian nghỉ ngơi, lấy lại sức lực, chị đã quyết định trở về Việt Nam sau 3 năm ăn Tết ở Đài Loan (Trung Quốc). Chị đã lên kế hoạch dọn dẹp nhà cửa, đưa cha mẹ đi sắm Tết và chuẩn bị quà Tết cho gia đình nội, ngoại.

Ngoài ra, nữ sinh dự định sẽ về quê ngoại ở Nam Định để thăm ông bà. Những năm gần đây, dịch bệnh và lịch học dày đặc nên chị chưa thể về thăm quê. Chị muốn tranh thủ dịp này về quê đi chợ và cùng ông bà gói bánh chưng, bánh tét.

Đối với nữ sinh, gói bánh không chỉ là hoạt động truyền thống vào dịp cuối năm, mà còn là cách để chị hồi tưởng những kỷ niệm ngày thơ ấu.

"Vừa đặt chân xuống sân bay là tôi đã phải hẹn các đi ăn phở ngay buổi chiều. Đi nhiều nơi nhưng không nơi nào có món ăn đậm đà gia vị và cả hương vị của sự thân thương, quen thuộc như quê nhà" - chị Phương chia sẻ.

Tết Nguyên đán chính là dịp đặc biệt để được gặp gỡ, lắng nghe mọi người trò chuyện, đồng thời giúp chị thỏa nỗi nhớ tiếng Việt của mình. Dù là tiếng trò chuyện, buôn bán, hay là tiếng cãi nhau, Khiêm đều thấy vui vì xung quanh ngập tràn tiếng Việt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn