MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự thảo có sự thay đổi nhiều nội dung mang tính đột phá về cơ chế, chính sách, gỡ bỏ những “nút thắt” cản trở giáo dục đại học phát triển. Ảnh: HN

Dự thảo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi: Đổi mới những gì?

HUYÊN NGUYỄN LDO | 21/05/2018 15:54
Dự thảo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, bổ sung sẽ được đưa ra thảo luận lấy ý kiến bổ sung, tại kì họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV sẽ có đột phá về cơ chế, chính sách, gỡ bỏ những “nút thắt” cản trở giáo dục đại học phát triển.

Đổi mới quản trị đại học

Đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ, quy định Hội đồng trường thực hiện chức năng quản trị trường, quyết định định hướng phát triển trường, ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính… Hiệu trưởng thực hiện chức năng quản lí, điều hành hoạt động của trường theo quy định của pháp luật và theo quyết nghị của Hội đồng trường.

Các cơ sở giáo dục đại học tư thục được bổ sung quy định về bộ máy quản lí theo tiêu chí chủ sở hữu để vận dụng mô hình quản trị doanh nghiệp; Thực hiện bình đẳng trường công và trường tư, bổ sung các quy định phù hợp để khuyến khích đầu tư, phát triển các trường tư thục.

Ngoài ra, cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, dự thảo quy định cơ chế quản trị tiệm cận với xu hướng quốc tế, không có Đại hội đồng cổ đông; Hội đồng quản trị quyết định theo cơ chế phổ thông, đầu phiếu, không theo cơ chế đối vốn… để tương đồng với mục đích không vì lợi nhuận và phân biệt rõ với cơ chế quản trị của trường đại học tư thục khác.

Đổi mới quản lí đào tạo

Dự thảo luật xây dựng một số chuẩn chất lượng cho giáo dục đại học như chuẩn chương trình, chuẩn giảng viên, chuẩn cơ sở giáo dục đại học… làm công cụ quản lí nhà nước, tạo không gian thống nhất trong toàn hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, phù hợp với xu hướng quốc tế, đảm bảo chất lượng đào tạo, thúc đẩy việc công nhận văn bằng, tín chỉ giữa các trường trong khu vực và trên thế giới.

Dự thảo Luật Giáo dục Đại học giao cho Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các quy định về hình thức đào tạo, xác định chỉ tiêu tuyển sinh, thời gian, chương trình, tổ chức và quản lý đào tạo, văn bằng chứng chỉ đối với lĩnh vực sức khoẻ và một số lĩnh vực chuyên môn đặc thù.

Về tài chính, tài sản trong giáo dục đại học

Đối với nhà nước, ngân sách để dùng để đầu tư, phát triển một số cơ sở giáo dục đại học, ngành đào tạo mang tầm khu vực, quốc tế và cơ sở đào tạo giáo viên chất lượng cao; phát triển một số ngành, vùng đặc thù để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; có cơ chế phân bổ nguồn lực cho giáo dục đại học theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả.

Các dịch vụ do Nhà nước đặt hàng và cấp kinh phí thực hiện thì Nhà nước quy định khung giá/giá cụ thể. Các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước thì cơ sở giáo dục đại học xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo theo quy định của pháp luật, công bố công khai cho từng năm học, khoá học cùng với thông báo tuyển sinh.

Cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động được quyết định đầu tư các dự án sử dụng nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách của cơ sở giáo dục đại học để thực hiện hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; quyết định nội dung và mức chi từ các nguồn thu học phí và thu sự nghiệp, nguồn kinh phí đặt hàng, giao nhiệm vụ…

Tài sản của cơ sở giáo dục đại học công lập được quản lí, sử dụng theo nguyên tắc quản lí, sử dụng tài sản công; cơ sở được tự chủ sử dụng một phần tài sản vào kinh doanh, cho thuê, liên kết nhằm mục đích phát triển giáo dục đại học, theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển theo quy định của Chính phủ.

Cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập cần để lại tối thiểu 25% chênh lệch thu chi để đầu tư phát triển trường nhưng không bắt buộc đưa vào khối tài sản chung không chia. Các trường hoạt động không vì lợi nhuận không được chia lãi theo thông lệ quốc tế; chênh lệch thu chi để đầu tư phát triển trường là tài sản chung hợp nhất không phân chia.

Tài sản chung hợp nhất không phân chia gồm: Tài sản được viện trợ, tài trợ, hiến tặng, cho tặng và tài sản khác được pháp luật quy định thuộc sở hữu của cộng đồng nhà trường, do hội đồng quản trị đại diện quản lí, sử dụng vì mục đích phát triển trường và phục vụ lợi ích của cộng đồng, theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển, không được chuyển thành sở hữu tư nhân dưới bất cứ hình thức nào.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn