MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Với chương trình môn Lịch sử, ở cấp THCS, được đưa vào giảng dạy một cách hoàn chỉnh và có hệ thống (giai đoạn giáo dục cơ bản). Ảnh: Hải Nguyễn

Đưa Lịch sử thành môn bắt buộc: Lo ngại phải sửa cả chương trình, SGK mới

Bích Hà LDO | 22/05/2022 13:58

Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tiếp thu các ý kiến và quy định Lịch sử là môn bắt buộc ở cấp THPT. Nếu thực hiện điều này, có ý kiến băn khoăn sẽ phải sửa lại cả chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới.

Những lý do đề nghị Lịch sử trở thành môn bắt buộc

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa, tại phiên họp toàn thể vào sáng 22.5, Ủy ban Văn hóa Giáo dục đã có báo cáo về việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông đối với môn Lịch sử bậc THPT.

Cụ thể, sau thời gian lấy ý kiến, đa số không đồng tình đối với việc đưa môn Lịch sử bậc THPT thành môn lựa chọn với một số lý do.

Đầu tiên, Lịch sử là môn học đặc biệt quan trọng, giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng đối với thế hệ trẻ; giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống văn hóa, lịch sử...

Bên cạnh đó, xét về tâm sinh lý lứa tuổi, học sinh THPT (15 - 17 tuổi) có sự trưởng thành về nhận thức, khả năng tiếp nhận tốt hơn về lịch sử đất nước và lịch sử cách mạng Việt Nam. Nếu học sinh không lựa chọn môn Lịch sử ở cấp THPT, các em sẽ không được tiếp cận với những kiến thức rất quan trọng, có ý nghĩa giáo dục đối với lứa tuổi này...

Vì vậy, Ủy ban Văn hóa Giáo dục đề nghị Bộ GDĐT tiếp thu và quy định môn học Lịch sử bậc THPT trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT) là môn học bắt buộc.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa. Ảnh: Ngọc Thắng

Có thể phải xây dựng lại chương trình và SGK?

Việc xây dựng và ban hành Chương trình GDPT mới của Bộ GDĐT thực hiện theo quy định của pháp luật với các quá trình xây dựng và xin ý kiến góp ý đầy đủ các cấp trước khi ban hành vào năm 2018.

Đặc biệt, chương trình được xây dựng theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội quy định giáo dục phổ thông 12 năm, gồm 2 giai đoạn giáo dục: Giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp THCS 4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT 3 năm).

Khi Chương trình GDPT 2018 được phê duyệt, đây được coi là “pháp lệnh” trong tổ chức dạy học.

Với chương trình môn Lịch sử, ở cấp THCS, được đưa vào giảng dạy một cách hoàn chỉnh và có hệ thống (giai đoạn giáo dục cơ bản). Ở cấp THPT, chương trình được xây dựng thành các chuyên đề học tập về các lĩnh vực của sử học, như: Lịch sử chính trị, lịch sử kinh tế, lịch sử văn minh, lịch sử văn hóa...

Đây là những nội dung chuyên sâu, giúp những học sinh có định hướng học các ngành khoa học xã hội và nhân văn tiếp cận nghề nghiệp tương lai. Sách giáo khoa mới lớp 10 cũng đã được các tác giả, nhà xuất bản viết theo hướng này.

Nếu sắp tới Lịch sử trở thành môn bắt buộc, có nhiều ý kiến lo ngại có thể làm phá vỡ kết cấu, mục tiêu của chương trình. Vì không đơn giản chỉ thay đổi từ ngữ “lựa chọn” hay “bắt buộc”, mà quan trọng là không thể bê chương trình đang xây dựng theo hướng chuyên sâu sang để giảng dạy đại trà.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, hiện toàn bộ kiến thức cơ bản, cốt lõi về lịch sử Việt Nam và thế giới đã được dạy học bắt buộc ở cấp học THCS. Nếu Lịch sử thành môn bắt buộc ở cấp THPT thì phải sửa cả chương trình môn học này. Bởi không thể bê chương trình đang được xây dựng theo hướng lựa chọn, phân hóa ở cấp THPT để bắt tất cả học sinh học.

"Đồng ý chúng ta phải lắng nghe dư luận nhưng chúng ta phải xem Bộ GDĐT ban hành chương trình đó là đúng hay là sai, nếu đúng thì chúng ta phải kiên quyết bảo vệ cái đúng. Nếu sai thì phải trình các cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi. Và nếu sai thì cơ quan nào phải chịu trách nhiệm?", bà Thuý đặt câu hỏi.

Đến nay chương trình GDPT 2018 đã triển khai được 2 năm và chỉ còn 3 tháng nữa sẽ chính thức thực hiện với lớp 10.

Thời gian qua, các trường THPT đã gấp rút và hoàn tất phương án tổ chức, tập huấn giáo viên, nhiều nơi còn tiến hành khảo sát và xây dựng xong các tổ hợp để học sinh lựa chọn theo yêu cầu định hướng nghề nghiệp của chương trình GDPT mới.

Ở giai đoạn nước rút này, nếu đưa Lịch sử từ lựa chọn trở thành môn bắt buộc, các trường đang lo ngại sẽ phải thay đổi phương án và công tác chuẩn bị.

Về phía Bộ GDĐT, những ngày qua liên tục có những cuộc họp xin ý kiến về việc tổ chức dạy học môn Lịch sử ở cấp THPT. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa chốt phương án nào cụ thể để trình các cấp có thẩm quyền.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn