MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Luật sư Lê Xuân Lộc phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hán Văn Hiển

Đưa sở hữu trí tuệ đến với sinh viên

Thế Vinh LDO | 18/04/2022 12:53
Sáng 18.4, tại Học viện Phụ nữ Việt Nam diễn ra hội thảo “Tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và bình đẳng giới trong văn hóa đọc của sinh viên”. Đây là một trong số các hoạt động nhằm hướng tới Ngày sở hữu trí tuệ thế giới 26.4, với tinh thần “Sở hữu trí tuệ và thế hệ trẻ: Đổi mới sáng tạo vì một tương lai tốt đẹp hơn”.

Theo ông Lê Xuân Lộc, Giám đốc sở hữu trí tuệ Công ty Luật TNHH T&G, tài sản trí tuệ trong trường đại học bao gồm: Tài sản trí tuệ từ hoạt động dạy và học của giảng viên và sinh viên; Tài sản trí tuệ từ hoạt động nghiên cứu khoa học; Tài sản trí tuệ từ các hoạt động chuyên môn và ngoại khóa khác; Tài sản trí tuệ từ hoạt động hợp tác với các đối tác bên ngoài trường.

Ông Lê Xuân Lộc cho biết về một số hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phổ biến của sinh viên gồm hành vi sao chép tác phẩm; sử dụng sách/truyện/hàng hóa khác là hàng giả; sử dụng phần mềm không có bản quyền; xem phim, nghe nhạc từ các trang web lậu.

Ông cũng nêu câu hỏi để các bạn trẻ thảo luận: Hành vi sử dụng lại nhạc nền (beat) đã được bảo hộ quyền tác giả để cover, remix, mashup, nhảy… có cấu thành hành vi xâm phạm quyền tác giả hay không? Cần nhận diện các hành vi xâm phạm quyền tác giả trong hoạt động nghiên cứu, đào tạo ngay tại trường đại học.

Luật sư Lê Xuân Lộc phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hán Văn Hiển

Theo đại diện Cục Sở hữu Trí tuệ, chúng ta sẽ không thể có được những nhà sáng tạo, những doanh nhân trẻ tài ba, nếu như từ khi ngồi trên ghế giảng đường, sinh viên không chịu tìm hiểu, nghiên cứu và nghiền ngẫm tài liệu với sự hiểu biết và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác.

Sở hữu trí tuệ ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ nói riêng và kinh tế xã hội nói chung, đặc biệt với nền kinh tế tri thức mà Việt Nam và nhiều nước khác đang hướng tới.

Việc lồng ghép của quyền sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội… trong đó có nội dung về Bình đẳng giới cũng đang được các nước trên thế giới và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) quan tâm nhiều hơn. Do đó, hội thảo này là một hoạt động nhằm khơi dậy và khuyến khích sinh viên Việt Nam tích cực nghiên cứu khoa học trên tinh thần tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và bình đẳng giới, đồng thời cũng là cơ hội để sinh viên bày tỏ quan điểm và mối quan tâm của mình đối với các lĩnh vực này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn