MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đưa trẻ đi giám định xâm hại tình dục: Lòng vòng đùn đẩy 5 - 7 cơ quan

HUYÊN NGUYỄN LDO | 23/04/2019 07:30

Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam bày tỏ sự xót xa khi phụ huynh đưa con đi giám định xâm hại tình dục đến 5 – 7 cơ quan mà đơn vị này chỉ sang đơn vị kia gây khó khăn cho gia đình.

Câu chuyện thực tế mới đây vào ngày 14.4, một người mẹ dắt con gái 5 tuổi bị xâm hại tại phòng trọ, ở phường 14, quận Tân Bình - TPHCM đi từ 16h đến 24h chỉ để giám định cho con vì cơ quan này chỉ sang cơ quan kia.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam bày tỏ: “Chúng tôi rất băn khoăn khi phụ huynh đến phường thì công an phường bảo đến bệnh viện. Đến bệnh viện được giới thiệu đến Bệnh viện Nhi đồng.

Khi hai mẹ con đến bị từ chối khám và chỉ đến Trung tâm Giám định pháp y. Trung tâm lại yêu cầu có công an quận đi cùng. Khi đề nghị công an quận lại yêu cầu phải có công an phường. Sau khi cán bộ phường và hội phụ nữ đến thì 24h, cháu bé mới được giám định”, bà Hà kể.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà đề xuất có một cơ quan đầu mối hỗ trợ nạn nhân và gia đình một cách có hiệu quả để thuận tiện, dễ dàng vượt qua được khủng hoảng.

Từ thực tế đó, bà Hà đề nghị hiện nay chúng ta đang cải cách hành chính có quy trình 1 cửa, đặc biệt đối với tội xâm phạm tình dục trẻ em cần tính đến một cơ quan đầu mối hỗ trợ nạn nhân và gia đình một cách có hiệu quả để thuận tiện, dễ dàng vượt qua được khủng hoảng.

Bà Hà cũng dẫn chứng hình thức trung tâm 1 cửa tại Thái Lan, và mô hình 1 điểm dừng tại Hàn Quốc.

Từ thực tế đó, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề xuất tiếp tục các giải pháp giáo dục kĩ năng sống, giáo dục giới tính trong trường học. Đặc biệt từ trường hợp bé gái bị bố xâm hại ở Bắc Giang tố giác với cô giáo sau khi nghe nhân viên công tác xã hội ở trường học dạy về dấu hiệu, hành vi của xâm hại tình dục.

Cùng với đó, cần có cơ chế bảo vệ nạn nhân và người tố giác khi mạng xã hội tràn lan đưa thông tin, hình ảnh của các cháu bị xâm hại tình dục.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định thêm, khi xảy ra hành vi xâm hại tình dục, kết luận giám định pháp y được coi là một trong những bước quan trọng để làm căn cứ điều tra.

Tuy nhiên, Luật Giám định tư pháp không quy định việc trưng cầu giám định pháp y về xâm hại tình dục trẻ em là loại đặc biệt, phải thực hiện nhanh để xác định thủ phạm.

“Pháp luật hiện cũng chưa có cơ chế để công nhận kết quả giám định pháp ý đối với trường hợp xâm hại tình dục theo yêu cầu của gia đình bị hại vì vậy cần bổ sung quy định này”, ông Sơn nói.

Lãnh đạo Bộ Y tế đề xuất thêm việc nghiên cứu, hoàn thiện luật pháp, chính sách liên quan để bảo vệ, chăm sóc trẻ em và xây dựng chính sách đối với cán bộ làm công tác này; đẩy mạnh truyền thông nhằm thay đổi nhận thức của cộng đồng về quyền trẻ em; phối hợp, xây dựng và ban hành các biện pháp bảo vệ trẻ em.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn