MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dùng 5 bộ sách giáo khoa để "cởi trói" sự sáng tạo trong dạy và học

Linh Chi LDO | 31/10/2020 12:17

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch năm học 2019 - 2020 trên toàn quốc trong đó, có cả những vấn đề liên quan đến sách giáo khoa lớp 1.

Đảm bảo "mục tiêu kép"

Sau 2 đợt dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, sự an toàn của học sinh, sinh viên và giáo viên luôn được đảm bảo nhưng không vì thế các hoạt động giáo dục bị ngưng trệ, không bị “đứt gãy” giáo dục. Trái lại, các hình thức giáo dục mới được các thầy cô, các nhà trường sáng tạo, linh hoạt, nhất là trong dạy học trực tuyến, góp phần hoàn thành kế hoạch cả năm học và tạo tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành Giáo dục.

Toàn cảnh hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020. Ảnh: Thế Đại.

Đặc biệt, kỳ thi tốt nghiệp THPT đã diễn ra an toàn và nghiêm túc. Kỳ thi đã đáp ứng được mục tiêu kép: vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, vừa đáp ứng yêu cầu tổ chức kỳ thi gọn nhẹ, hiệu quả, khách quan, công bằng.

Nội dung đề thi bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình cấp THPT, bảo đảm “vừa sức”, không đánh đố thí sinh, có độ phân hóa hợp lý, đáp ứng được mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng.

"Cởi trói" sự sáng tạo trong dạy và học

Bộ GDĐT cho rằng việc sử dụng 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 do các nhà xuất bản biên soạn nhằm cởi trói cho sự sáng tạo trong dạy và học của các nhà trường đồng thời, phá bỏ việc độc quyền biên soạn và phát hành, tạo sự cạnh tranh để nâng cao chất lượng sách giáo khoa.

Bộ GDĐT khẳng định sẽ không để sai sót như trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1. Ảnh: LĐO.

Bộ GDĐT cũng khẳng định sẽ tổ chức thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa và tài liệu giáo dục địa phương theo lộ trình, không để xảy ra những hạn chế, thiếu sót như sách giáo khoa tiếng Việt 1 trong thời gian qua.

Đẩy mạnh tự chủ đại học

Nếu như trước đây chỉ có 2 đại học quốc gia được giao quyền tự chủ cao về chuyên môn, thì từ năm 2014 đã có 23 cơ sở giáo dục đại học được thí điểm thực hiện tự chủ tương đối toàn diện.

Cùng với hai đại học quốc gia, hầu hết các trường thí điểm tự chủ đã có bứt phá mạnh trong đào tạo và nghiên cứu, góp phần tạo ra diện mạo mới cho hệ thống giáo dục đại học Việt nam. Năm 2019, tổng số bài báo khoa học của Việt Nam công bố trên các ấn phẩm quốc tế có uy tín là 12.475 bài, đứng thứ 49 thế giới.

Đại diện các trường đại học đưa ý kiến về tự chủ đại học. Ảnh: Thiều Trang.

Lần đầu tiên Việt Nam có 3 trường đại học lọt vào bảng xếp hạng 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới; có 88 trường đại học được vào danh sách các đại học hàng đầu Châu Á (10 năm trước đây chúng ta chưa từng có trường nào đạt được). Mới đây nhất, Việt Nam có 22 đại học nằm trong tốp 101-150 Bảng xếp hạng thế giới các trường đại học trẻ tuổi có chất lượng giáo dục hàng đầu trên thế giới của Tổ chức xếp hạng đại học QS. Bên cạnh đó, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội lần đầu tiên xuất hiện trong tốp 200 của bảng xếp hạng các trường đại học trong “độ tuổi vàng".

Từ những thành công này, Bộ GDĐT đã tổ chức tổng kết, thể chế hóa thông qua việc trình Chính phủ, Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2019 và Nghị định 99 năm 2019 của Chính phủ hướng dẫn triển khai một số điều của Luật để tiếp tục đẩy mạnh tự chủ đại học trong thời gian tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn