MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dùng bằng tiến sĩ giả sẽ bị xử phạt như thế nào? Ảnh minh hoạ: VTV

Dùng bằng tiến sĩ giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

TRÀ MY LDO | 02/12/2023 07:36

Liên quan tới việc một người sử dụng bằng tiến sĩ giả giảng dạy tại hàng loạt trường đại học, nhiều ý kiến băn khoăn trường hợp nếu dùng bằng tiến sĩ giả sẽ bị xử phạt thế nào.

Trao đổi với Báo Lao Động, dưới góc độ pháp luật, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông Luật - cho biết, hiện nay, việc sử dụng các văn bằng, chứng chỉ giả (trong đó bao gồm bằng tiến sĩ) trong công tác, học tập diễn ra rất phổ biến, ngày càng tinh vi với nhiều thủ đoạn. Do đó, việc phát hiện những sự việc này cũng trở nên khó khăn và mất nhiều thời gian.

Luật sư Năng Bình thông tin thêm, theo quy định của pháp luật, việc sử dụng những văn bằng, chứng chỉ giả trên được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất và mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, người vi phạm còn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại (nếu có).

Theo khoản 4 điều 12, khoản 3 điều 13, điều 14, khoản 4 điều 18 và khoản 4 điều 19 Nghị định số 05/VBHN-BNV của Bộ Nội vụ năm 2023 có hiệu lực từ ngày 13.10.2023 quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

Người vi phạm nếu là cán bộ, công chức, viên chức sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ, tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị thì có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật cách chức, buộc thôi việc, bãi nhiệm.

Theo điểm b khoản 1 điều 23 Nghị định số 88/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, về vi phạm quy định về sử dụng và công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp.

Người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung. Đồng thời, người vi phạm còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật là văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung và buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi văn bằng, chứng chỉ.

Đối với tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền bằng 2 lần cá nhân vi phạm.

Nếu hành vi trên có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể xử lý theo điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (không áp dụng với pháp nhân thương mại). Theo đó, người phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 30 triệu đồng và cao nhất là 7 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng.

Để hạn chế, ngăn chặn những vụ việc tương tự, nhà nước cần có những chính sách, biện pháp hiệu quả như xây dựng kho dữ liệu số về văn bằng chứng chỉ, yêu cầu các cơ sở giáo dục công khai và cập nhật những thông tin về việc cấp văng bằng, chứng chỉ. Đặc biệt, khi phát hiện có vi phạm xảy ra, lực lượng chức năng cần sớm vào cuộc để điều tra làm rõ, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn