MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đến năm 2030, sẽ không còn đào tạo giáo viên tại các trường cao đẳng sư phạm và các trường cao đẳng đa ngành. Ảnh: Mạnh Cường

Dừng đào tạo sư phạm mầm non trình độ cao đẳng là cơ hội để phát triển

Vân Trang LDO | 01/12/2023 11:43

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng, việc dừng đào tạo sư phạm mầm non trình độ cao đẳng là cơ hội để phát triển.

Tiến tới "xoá sổ" trường cao đẳng sư phạm

Theo Dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), đến năm 2030, toàn quốc có khoảng 250 cơ sở giáo dục đại học và 50 phân hiệu thuộc 200 cơ sở giáo dục đại học đầu mối, định hướng phân bố theo các vùng, trong đó:

Khoảng 30 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia, bao gồm 5 đại học quốc gia; 5 đại học vùng và từ 18 đến 20 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia; khoảng 100 cơ sở giáo dục đại học đầu mối khác trực thuộc các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương; ít nhất 70 cơ sở giáo dục đại học tư thục, bao gồm các cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài.

18 trường đại học trọng điểm ngành quốc gia, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh chụp màn hình

Về phương án phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên, Bộ GDĐT dự kiến sẽ sắp xếp, tổ chức lại các trường cao đẳng sư phạm theo các phương án sáp nhập vào một trường đại học sư phạm hoặc một cơ sở giáo dục đại học có đào tạo giáo viên trong vùng, hoặc sáp nhập vào một cơ sở giáo dục đại học tại địa phương.

Như vậy đến năm 2030, không còn đào tạo giáo viên tại các trường cao đẳng sư phạm và các trường cao đẳng đa ngành.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh - Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Sư phạm Trung ương (Hà Nội), hiện cả nước có 3 trường cao đẳng trực thuộc bộ là Trường cao đẳng Sư phạm Trung ương, Trường cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang, Trường cao đẳng Sư phạm Trung ương TPHCM.

Khoảng 60 năm qua, mỗi trường đào tạo hơn 30.000 giáo viên mầm non cho cả nước.

Bà Thanh nhìn nhận, trong nhiều năm qua, đào tạo giáo viên ở trình độ cao đẳng, ra trường, có thể làm, phục vụ ngay cho sự phát triển đất nước. Đồng thời, giải quyết bài toán thiếu giáo viên như hiện nay. Chính vì vậy, bà Thanh cho rằng, cần phải xem xét lại việc các trường cao đẳng sư phạm sẽ không còn đào tạo giáo viên đến năm 2030.

"Hiện nay nguồn giáo viên mầm non đang thiếu hơn 51.000 giáo viên, nếu đào tạo giáo viên mầm non ở trình độ đại học sẽ gây lãng phí cho sự phát triển của nền kinh tế và càng gây thiếu hụt trầm trọng giáo viên mầm non" - bà Thanh nói.

Về việc sắp xếp, tổ chức lại các trường cao đẳng sư phạm, bà Thanh đề xuất ba trường cao đẳng sư phạm Trung ương Hà Nội, Nha Trang và TPHCM được sáp nhập thành một cơ sở giáo dục đại học để phục vụ phát triển, đào tạo nguồn giáo viên mầm non cho cả nước trong thời gian tới.

Cơ hội để phát triển

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định, việc sẽ không còn trường cao đẳng sư phạm là quan điểm thống nhất. Việc quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên là để tăng cường năng lực, tăng chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu của các địa phương và cả nước.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn. Ảnh: Vân Trang

Ông Sơn cho rằng, hiện các trường cao đẳng sư phạm đang rất thiệt thòi vì chỉ còn duy nhất ngành đào tạo là sư phạm mầm non trình độ cao đẳng. Do đó cơ hội phát triển rất khó. Một số trường cao đẳng sư phạm có xu hướng mở rộng thành 1 trường cao đẳng nghề đa ngành. Song, điều này gây khó khăn cho cơ quan quản lí, Bộ GDĐT trong việc kiểm soát chất lượng.

"Định hướng các trường cao đẳng sư phạm sáp nhập với một trường đại học có đào tạo giáo viên, hoặc sáp nhập trở thành một đơn vị đào tạo trong một trường đại học tại địa phương.

Đây là phương án phát triển tốt nhất để đội ngũ giáo viên phát huy được năng lực. Khi đó, không chỉ đào tạo giáo viên mầm non trình độ cao đẳng mà cả trình độ đại học và giáo viên các ngành khác. Đây chính là cơ hội để phát triển, không phải hạn chế. Thầy cô có thể yên tâm, Bộ GDĐT luôn quan tâm, lo lắng những vấn đề thầy trên" - ông Sơn khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn