MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quốc hội

“Đừng đẩy vấn đề khiến người dân thiếu niềm tin vào giáo dục”

Đặng Chung - Trần Vương- Nguyễn Hà LDO | 04/11/2020 11:20
Trước những ý kiến của đại biểu bày tỏ lo lắng về quá trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) cho rằng, đừng đẩy vấn đề khiến người dân thiếu niềm tin vào giáo dục mà đề nghị trì hoãn không cần thiết đối với công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay.

Cả 5 bộ sách đều dính những lỗi cơ bản về nguyên tắc biên soạn

Sáng 4.11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về các vấn đề kinh tế - xã hội. Đổi mới giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới... vẫn là những vấn đề nhận được sự quan tâm, tranh luận của các đại biểu Quốc hội.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Đoàn Phú Yên) cho biết, đây là năm đầu tiên áp dụng một chương trình nhiều bộ SGK theo hình thức xã hội hoá, trong điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, đội ngũ giáo viên chưa thể đạt yêu cầu cao hơn, chắc chắn sẽ gặp nhiều bỡ ngỡ.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên).

Bà Hiền cho rằng, muốn biên soạn bộ sách hoàn chỉnh thì trước hết phải có sẵn hoặc xây dựng hệ thống khoa học chuẩn chỉnh, nhưng chúng ta lại làm theo kiểu cuốn chiếu, từng giai đoạn. Và không riêng gì 1 bộ sách mà cả 5 bộ sách đều dính những lỗi cơ bản về nguyên tắc biên soạn, về bản quyền, về ngữ liệu, mà lỗi trong SGK thì chỉ có sai hoặc đúng chứ không có lỗi “nội dung chưa phù hợp”.

“Điều đó càng bộc lộ rõ hơn về quy trình thẩm định, phát hành sách còn lỏng lẻo, dễ dãi, vội vàng” – bà Hiền nhấn mạnh.

Ngoài băn khoăn về công tác thẩm định SGK, Đại biểu đoàn Phú Yên cũng băn khoăn về năng lực của hội đồng thẩm định, khi để “lọt” các hạt sạn trong SGK.

Đại biểu đề nghị Chính phủ và các bên liên quan cần có thái độ, quan điểm đúng đắn đứng về phía quyền lợi của người học, nhất là trẻ em. Phải đảm bảo các quyền của trẻ phải được bảo vệ và thực thi nghiêm túc.

“Mong Chính phủ làm rõ trách nhiệm trong sự cố SGK lớp 1, đặc biệt những lỗi sai cần được giải quyết và xử lý thật nghiêm minh ở từng khâu, từng cấp, từng bộ phận. Xem xét bổ sung, thay đổi, điều chỉnh hội đồng thẩm định SGK. Có thể dừng lại ở việc rút kinh nghiệm và không thể trấn an dư luận bằng sợi dây kinh nghiệm”- bà Hiền nhấn mạnh.

Không nên vì vài sai sót mà phủ nhận thành tích

Đồng tình với đại biểu Phạm Thị Minh Hiền khi cho rằng năm vừa qua ngành giáo dục có một số bất cập, sai sót, nhưng đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) cho rằng không nên chỉ nhìn vào những sai sót này mà phủ nhận sách trơn những nỗ lực, thành tích của ngành giáo dục.

Ông cho biết, thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo có sự tham gia của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và trực tiếp là Bộ GDĐT. “Trong quá trình thực hiện, tôi tin tưởng rằng Bộ GDĐT đã thực hiện đúng quy trình, trách nhiệm cao và lấy sự góp ý của các giáo sư, tiến sĩ, cộng đồng nhà giáo và dân nhân. Tất nhiên đây là lần đầu tiên nên không tránh khỏi những sai sót mà cần phải rút kinh nghiệm”- đại biểu Phương nói.

Theo đại biểu, thời gian qua, rất nhiều người cùng có ý thức góp ý sai sót. Nhưng cùng một sự kiện, có nhiều đối tượng chỉ quan tâm soi vào sai phạm không đáng chú ý mà phủ nhận thành tích, sự cố gắng của Bộ GDĐT.

“Việc bức xúc của cử tri, các đại biểu khi tiếp cận thì việc gì ghi nhận thì ghi nhận, những nỗ lực đáng ghi nhận của Bộ, ngành thì phải ghi nhận. Việc gì chưa thỏa mãn thì nên trao đổi và có kiến nghị nhưng cần có nhận thức, góp ý của mình mang quan điểm xây dựng đối với việc thực hiện Nghị quyết 29.

Chúng ta đừng cho rằng việc thực hiện quy định này là lỏng lẻo, dễ dãi, khó tin, sách giáo khoa là thiếu sự trong sáng về ngôn ngữ… Tất nhiên góp ý là tốt, còn những sơ suất thì Bộ GDĐT đã có giải trình, tiếp thu.

Tôi cho rằng đây là điểm mà đại biểu cần lưu ý, rút kinh nghiệm, đừng đẩy vấn đề khiến người dân thiếu niềm tin vào giáo dục mà đề nghị trì hoãn không cần thiết đối với công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay”- đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nhấn mạnh.

Ông cho rằng, Quốc hội thông qua dự án Luật với quy trình hết sức chặt chẽ, chu đáo nhưng vẫn có những sơ suất. Ngành giáo dục mới năm đầu tiên thực hiện đổi mới chương trình, SGK, nên không tránh khỏi sơ suất. Nên chúng ta cần có những chia sẻ để cùng chung sức, đồng lòng, cùng ngành giáo dục thực hiện thành công nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn