MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng: "Nếu chức năng của Phòng GDĐT có tác dụng nhưng hoạt động chưa hiệu quả, chưa như kì vọng thì cần phải có biện pháp để làm tốt lên". Ảnh: Internet

Đừng để Phòng GDĐT là nơi gửi gắm người nhà của quan chức

HUYÊN NGUYỄN LDO | 21/12/2017 14:08

Trước những băn khoăn về đề xuất bỏ Phòng GDĐT, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GDĐT cho rằng cần làm rõ việc thực hiện vai trò, chức năng và nhiệm vụ được phân cấp cho phòng GDĐT.

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, hiện đang có 2 quan điểm khá đối lập nhau về đề xuất bỏ phòng GDĐT. Đó là bỏ phòng GDĐT đi thì mất tính “chân rết” của hệ thống. Quan điểm khác lại cho rằng phần tử nào trong hệ thống không có tác dụng thì bỏ đi. Chúng ta cần nhìn nhận, đánh giá khách quan trên cơ sở khoa học xem trong những năm qua, kể từ khi thực hiện phân cấp, các phòng GDĐT đã thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình thế nào, ưu điểm thế nào, nhược điểm ra sao.

“Chúng ta phải nhìn nhận, việc thanh tra, kiểm tra, giám sát của các Phòng GDĐT hiện nay như thế nào. Cứ suốt năm tháng đi kiểm tra thì có được không? Việc kiểm tra ấy có cải thiện được chất lượng, hiệu quả giáo dục ở cơ sở hay không? Tình trạng bỏ học, bạo lực trường học, lạm thu có hạn chế hơn trước kia hay vẫn không có chiều hướng giảm bớt?

Quản lý không phải là không quản được thì cấm, là “nhốt” sự tự chủ của các trường mà là xem thực hiện chính sách luật pháp, chủ trương về giáo dục có đúng hay không? Rồi Phòng GDĐT thực hiện thuyên chuyển giáo viên, tuyển dụng có khách quan, công bằng không? Phòng GDĐT quận/huyện đã làm tròn vai trò của mình chưa hay chỉ là cấp trung gian, là cánh tay nối dài của UBND cấp quận/huyện mà không đủ năng lực thực thi trách nhiệm quản lý nhà nước, tạo ra phiền toái và cản trở đổi mới của nhà trường. Không cẩn thận lại trở thành "công cụ", thành chỗ sai bảo, gửi gắm người nhà của "quan chức" cấp huyện…", TS Hoàng Ngọc Vinh cho hay.

Mặt khác, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp cũng chỉ ra rằng, khi đặt vấn đề nghiên cứu bỏ phòng GDĐT thì cần chú ý đến tình hình, bối cảnh hiện tại, quy mô dân số của quận - huyện... để có giải pháp, lộ trình hợp lý, tránh đề xuất tùy tiện. Ví dụ, ở TPHCM, mỗi quận có diện tích rất rộng và dân số lớn, nếu giao hết nhiệm vụ về Sở thì có thể Sở sẽ không đảm đương xuể được.

TS Vinh tiếp tục đưa băn khoăn: "Nếu chuyển nhiệm vụ quản lý từ Phòng GDDT cấp huyện về Sở GDĐT lấy gì đảm bảo những hạn chế, tiêu cực trước đây ở cấp quận huyện thì ở Sở sẽ không còn. Tôi thấy vấn đề này phải được nghiên cứu cụ thể vì sẽ đụng chạm đến con người và quyền lực của các bên liên quan...".

Ngoài ra, TS Vinh cũng chỉ ra rằng, với thời đại hiện nay, nói đến việc giảm biên chế thì yếu tố nâng cao năng lực quản lý cho các nhà trường, của các phòng, ban, sở là điều cần được coi trọng. Đặc biệt, phải ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong quản lý, không thể cầm tay chỉ việc hay ngày nào cũng đi kiểm tra được, phải có công cụ thông tin kiểm soát, mọi thứ phải minh bạch

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn