MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các chương trình bộ môn nên giao cho các Hội khoa học chuyên ngành xây dựng dưới sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT (Ảnh: Hải Nguyễn)

Đừng “khoán trắng” cho Bộ GD&ĐT

Tuệ Nhi LDO | 15/05/2017 06:30
“Công cuộc đổi mới toàn diện và căn bản giáo dục nước nhà là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và cả xã hội. Vì thế, cần sự chung tay xây dựng chương trình của các bộ, ban, ngành. Xin đừng “khoán trắng” cho Bộ GD&ĐT”.
Chưa có ràng buộc về các điều kiện liên quan
Bàn về điều kiện tiên quyết để có thể thực hiện chương trình thành công, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình, cho rằng đó là sự đồng bộ và đồng lòng, cùng chung tay chung sức của gia đình, nhà trường, xã hội; đặc biệt là sự quan tâm, đầu tư của các cấp ủy Đảng và chính quyền cho giáo dục.
“Các giới xã hội, các địa phương cần vào cuộc và phải thấy được đổi mới giáo dục là việc quan trọng hàng đầu và để thực hiện thành công đổi mới giáo dục thì phải đầu tư; nếu không, đổi mới sẽ vẫn chỉ là khẩu hiệu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vẫn chỉ là mơ ước mà thôi”, GS Thuyết cho hay.
Cũng chính vì điều kiện liên quan này mà dư luận băn khoăn về điều kiện khả thi để có thể thực hiện chương trình. TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lí Bộ trưởng Bộ GĐ&ĐT, băn khoăn với 4 nhóm điều kiện liên quan là tổ chức và quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo dục, nhân viên và học sinh; cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục; xã hội hoá giáo dục. Theo TS Tiến: Các điều kiện trên là hết sức cần thiết nhưng tính khả thi còn nhiều vấn đề cần bàn. Đặc biệt là điều kiện căn bản nhất là nhà trường phải tự chủ về chuyên môn, tài chính, nhân sự... đây là những điều sẽ vướng nếu thực hiện theo quyền tự chủ của NĐ 16 ngày 14.2.2015 về cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.
TS Nguyễn Anh Dũng, Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam, cho rằng: Các điều kiện được đưa trong quy định rất rõ nhưng chưa có sự cam kết của các cơ quan nhà nước để thực hiện. Vì thế, rất cần có sự cam kết của Nhà nước về các điều kiện này để đảm bảo thực hiện thành công.
Không thể chỉ là chuyện của Bộ GĐ&ĐT
Nhấn mạnh về sự cần thiết vào cuộc của các cơ quan, ban ngành, GS GS.TSKH Vũ Minh Giang, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nêu rõ: Thiết kế chương trình có thể hay, có thể dở nhưng phải tính đến chuyện thực thi nó. Nếu coi giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu thì vấn đề xây dựng và triển khai Chương trình không phải chỉ là chuyện của Bộ GD&ĐT. “Xem ra, chúng ta đang quá kỳ vọng vào Bộ GD&ĐT. Như vậy thì bao giờ cũng sẽ bộc lộ những hạn chế”, GS Giang nói.
Trước thực trạng trên, GS Giang đề xuất: Chính phủ cần phải đứng lên bao quát và coi việc đổi mới giáo dục là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và của cả xã hội. “Công cuộc đổi mới toàn diện và căn bản giáo dục nước nhà là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và cả xã hội. Vì thế, cần sự chung tay xây dựng chương trình của các bộ, ban, ngành. Xin đừng “khoán trắng” cho Bộ GD&ĐT”.
GS Nguyễn Lân Dũng cũng thẳng thắn chia sẻ: Cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các bộ, ban, ngành. Các chương trình bộ môn nên giao cho các Hội khoa học chuyên ngành xây dựng dưới sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Bộ GD&ĐT không nên là đơn vị chủ trì biên soạn sách giáo khoa mà chỉ cần dành công sức để xét duyệt nội dung các bộ sách giáo khoa mà thôi, ông nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn