MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đừng lấy danh nghĩa kỷ luật gây tổn thương về mặt thân thể học sinh

L.HOA LDO | 11/12/2018 12:01
Các chuyên gia cho rằng, lấy danh nghĩa kỷ luật để hạ thấp, xúc phạm danh dự, gây tổn thương về mặt thân thể và tâm lý cho trẻ em là không thể chấp nhận được.

Vừa qua, tại tỉnh Quảng Bình và Nam Định, các vụ bạo lực trẻ em ở trường học gây bức xúc trong dư luận xã hội chưa lắng xuống, thì một giáo viên tại Hà Nội bị "tố" yêu cầu các bạn trong lớp tát một học sinh 50 cái vì nói chuyện.

Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, gần đây, những vụ bạo lực học đường bắt đầu từ chủ thể là người dạy học. Không chỉ giáo viên bạo hành trẻ mà chính giáo viên còn tổ chức cho các học sinh khác bạo hành trẻ. Như vậy, sẽ không dừng lại ở một học sinh bị ảnh hưởng mà nhiều học sinh khác cũng chịu tổn thương từ hình thức xử phạt của giáo viên.

Phân tích về nguyên nhân của những sự việc trên, Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng, thứ nhất, nguyên nhân xuất phát từ đạo đức của nhà giáo. Không có quốc gia, ngành giáo dục nào cho phép thầy bạo hành trò, đặc biệt trong xã hội văn minh và không đạo lý nào cho phép giáo viên gây tổn thương và xúc phạm đến học sinh.

Thứ hai, đào tạo về chuyên môn, cập nhật kỹ năng giảng dạy và truyền đạt cho học sinh đang có vấn đề. Cần đưa vào giảng dạy trong nhà trường, cập nhật kiến thức cho giáo viên đứng lớp về kỹ năng kỷ luật khi đứng lớp, kỷ luật không bạo lực.

“Kỷ luật trong trường học là cần thiết nhưng không được kỷ luật đến mức vi phạm pháp luật. Những vụ bạo lực vừa qua, giáo viên hoàn toàn không hiểu về quyền của trẻ em, quyền của người học. Giáo viên lấy danh nghĩa kỷ luật để hạn thấp, xúc phạm danh dự của trẻ, gây tổn thương về mặt thân thể và tâm lý cho trẻ đó là không thể chấp nhận”, ông Nam nhấn mạnh.

Từ vụ việc một giáo viên tại Hà Nội bị “tố” đã yêu cầu các bạn trong lớp tát một học sinh 50 cái, theo ông Nam, hiện vụ việc vẫn chưa có kết luận, nhưng dưới sự giám sát của giáo viên mà để xảy ra sự việc như vậy trong lớp là không được.

Ông Nam cho rằng, những giáo viên để cho những sự việc đó diễn ra hoặc tổ chức để thực hiện những hành vi đó là có vấn đề về tâm lý. Ngành giáo dục cần triển khai tích cực hơn nữa công tác tâm lý học đường kết hợp công tác xã hội trong trường học.

“Cần căn cứ vào mức độ gây tổn thương cho học sinh, giáo viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, bao gồm cả xử phạt hành chính cũng như vi phạm hình sự thì bị xử lí về mặt hình sự”, ông Nam nói thêm.

Để giảm thiểu tình trạng trên, Cục trưởng Cục trẻ em cho rằng: “Chúng ta cần có quy trình thống nhất để Bộ GDĐT hướng dẫn cho tất cả các trường học, hiệu trưởng, giáo viên, các cán bộ quản lý khác. Khi trẻ em bi xâm hại trong trường học, chúng ta phải cung cấp ngay thông tin, thông báo đến cơ quan chức năng để phối hợp hỗ trợ bảo vệ nạn nhân, các cơ quan tư pháp và công an”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn