MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những tiết dạy và học với hàng chục giáo viên đến dự giờ không còn xa lạ với nhiều giáo viên và các thế hệ học sinh.

“Đừng liên tục dự giờ để tạo áp lực cho giáo viên nữa, họ đã khổ lắm rồi”

Đặng Chung LDO | 21/09/2018 20:09
Dự giờ không có kế hoạch, theo cảm tính, dùng tiêu chí dự giờ để đánh giá thi đua, xếp loại giáo viên… PGS-TS Hoàng Thị Tuyết (Đại học Mở TPHCM) cho rằng điều này chỉ gây thêm áp lực cho nhà giáo.

Có giáo viên nào hào hứng khi liên tục đón đoàn dự giờ?

Từng nhiều năm giảng dạy ngành Giáo dục tiểu học trong trường sư phạm, PGS-TS Hoàng Thị Tuyết (Đại học Mở TPHCM) chia sẻ không ít lần nghe tâm sự của các cựu sinh viên về những áp lực liên quan đến tiết dự giờ.

Áp lực là vì hiện nay việc dự giờ trong trường học chẳng có quy định nào cụ thể, mỗi nơi một kiểu theo "sở thích" của lãnh đạo nhà trường hoặc phòng giáo dục. Có hiệu trưởng ghét ai thì dự giờ thường xuyên, rồi đánh giá chấm điểm, để xếp thi đua.

Có chuyên viên của phòng giáo dục, dù năng lực chưa chắc đã hơn giáo viên nhưng liên tục đi dự giờ, góp ý không đúng khiến giáo viên không phục. 

Đôi khi giáo viên và học sinh thực hiện theo cách đối phó, hay nói cách khác là phải “diễn” khi có đoàn đến dự giờ. Vì chỉ cần một sai sót có thể bị đánh giá là tiết dạy không đạt và bị trừ điểm thi đua.

PGS-TS Hoàng Thị Tuyết.

“Tôi từng ở vị trí đi dự giờ người khác và bị người khác dự giờ. Tôi tin không giáo viên nào hào hứng với việc liên tục đón các đoàn đến dự giờ lớp học của mình, đặc biệt là bị phân tích mổ xẻ, đem nó ra để đánh giá, xếp loại giáo viên.

Đặc biệt ở nhiều nơi hiện nay việc dự giờ không diễn ra theo một kế hoạch cụ thể nào, mà làm theo cảm tính. Việc dự giờ kiểu này chỉ khiến giáo viên thêm áp lực. Đừng gây thêm áp lực cho giáo viên nữa, vì họ đã khổ lắm rồi” - PGS-TS Hoàng Thị Tuyết nhấn mạnh.

Trong một lần chia sẻ với Lao Động về những áp lực mà giáo viên đang phải chịu, TS Vũ Thu Hương (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng không thể không nhắc đến áp lực dự giờ. Hết ban giám hiệu, lại đến lượt các chuyên viên của phòng giáo dục đến dự, dù giáo viên không muốn nhưng không có quyền từ chối.

Cũng theo TS Hương, không ở đâu có thể dễ dàng vào dự giờ của giáo viên như ở Việt Nam. Nên cho giáo viên quyền từ chối những người vào dự giờ của mình, từ chối những người can thiệp vào bài giảng của mình và từ chối cả những cuộc thi mà mình không muốn tham gia. Lúc ấy giáo viên sẽ có nhiều thời gian và điều kiện để làm tốt bài giảng, tránh những áp lực, căng thẳng không cần thiết.

Giáo viên cần hỗ trợ về chuyên môn, thay vì soi xét

Nên hay không duy trì việc dự giờ, làm cách nào để việc dự giờ không còn là áp lực với cả giáo viên và học sinh, theo PGS-TS Hoàng Thị Tuyết, quan trọng là mục đích dự giờ để làm gì?

“Việc dự giờ, thăm lớp là hoạt động chuyên môn nên được duy trì trong trường học, nhưng không nên dùng nó để làm tiêu chí đánh giá thi đua, soi xét giáo viên. Nếu để chấm điểm giáo viên thì đương nhiên sẽ có chuyện phải diễn.

Hiện nay nhiều nơi hay làm theo kiểu thao giảng, báo trước cả tháng để giáo viên chuẩn bị, chỉ dẫn học trò diễn sao cho tốt nhất đó để họ được đánh giá tốt. Tôi cực lực phản đối cách làm này vì thấy nó rất hình thức, hoang phí thời gian, tâm sức. Nó chỉ làm căn bệnh thành tích càng trầm kha hơn”- PGS Hoàng Thị Tuyết thẳng thắn.

PGS Tuyết cho rằng, mục đích dự giờ nên là hỗ trợ giáo viên, góp ý chân thành, giúp họ mang những gì tốt nhất đến cho học sinh. Nếu chia sẻ với giáo viên theo cách như thế và không lấy việc dự giờ là tiêu chí để đánh giá thi đua, thì giáo viên sẽ vơi đi phần nào áp lực. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn