MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh cần được tăng cường các tiết học trải nghiệm sáng tạo (Ảnh minh họa: Trần Vương)

“Đừng quá tham vọng, học sinh không phải siêu nhân“

Bích Hà LDO | 27/05/2017 11:00
Trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Bộ GDĐT quyết tâm xây dựng “chân dung” học sinh mới bằng cách đổi mới phương pháp, nội dung học tập và đổi mới cả giáo viên. Và “đầu ra” muốn hướng tới là học sinh phải có được 6 phẩm chất và 10 năng lực. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đặt ra điều này là quá tham vọng, sẽ dẫn đến quá tải trong việc dạy và học.

Tranh cãi về "chân dung” học sinh mới

Vừa qua, khoa Ngữ Văn (ĐH Sư phạm Hà Nội) đã tổ chức tọa đàm khoa học về chương trình giáo dục phổ thông quốc gia với sự tham gia của GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Tại buổi tọa đàm, không ít giáo viên, nhà nghiên cứu, chuyên gia giáo dục băn khoăn về những phẩm chất và năng lực của học sinh mà Bộ GDĐT muốn hướng tới sau khi thực hiện đổi mới giáo dục. Bởi đây được xem là mục tiêu lớn nhất của chương trình giáo dục phổ thông mới, trên cơ sở đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực.

Chia sẻ về “chân dung” người học sinh mới, GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh: “Phẩm chất là đức và năng lực là tài. Đức được đo bằng hành vi ứng xử. Tài được đo bằng hiệu quả hành động. 6 phẩm chất chủ yếu học sinh cần hình thành và phát triển là: Yêu đất nước; yêu con người; chăm học; chăm làm; trung thực, trách nhiệm.

Chân dung học sinh mới kỳ vọng sẽ đạt được sau khi tiến hành đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Ảnh: website Bộ GDĐT

10 năng lực cốt lõi là: Năng lực tự chủ và tự học; giao tiếp và hợp tác; giải quyết vấn đề và sáng tạo; ngôn ngữ; tính toán; tìm hiểu tự nhiên và xã hội; công nghệ; năng lực tin học; thẩm mỹ và năng lực thể chất”.

Tuy nhiên, nhiều nhà sư phạm đã phản biện lại điều này, cho rằng việc đưa ra 6 phẩm chất, 10 năng lực như trên với học sinh là chưa ổn.

“Tôi nghĩ cách dùng từ hoàn toàn không ổn. “Yêu đất nước, yêu con người” thì chỉ cần nói ái quốc hay nhân ái là đủ. Nhân ái đã bao gồm cả yêu cây cỏ, thiên nhiên… Việc bắt học sinh phải “chăm học chăm làm” cũng có gì đó rất thụ động, không hợp lý. Điều này chỉ áp dụng với học sinh ở nông thôn, một buổi đi học, buổi đi làm đồng giúp bố mẹ, chứ với trẻ em ở thành phố, chúng có thể chăm học nhưng kỳ vọng chăm làm rất khó. Vì công việc nhà đã có bố mẹ, hay người giúp việc lo hết rồi. Tôi nghĩ với cặp phạm trù này chỉ nên dùng từ chăm chỉ hay chuyên cần là phù hợp”- TS Lê Hiến Chương - khoa Lịch sử (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻ.

Cũng theo Tiến sĩ Chương, cái thiếu nhất của người Việt bây giờ là “ý thức công dân” thì không thấy đặt ra trong mục tiêu giáo dục của chương trình mới. Người Việt hiện nay vẫn có thói quen xả rác bừa bãi, không chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông, nên việc hướng đến đào tạo, rèn luyện “ý thức công dân” trong nhà trường là rất quan trọng. “Tôi nghĩ 6 phẩm chất mà dự thảo chương trình giáo dục phổ thông đưa ra quá chung chung, chỉ cần khái quát trong 5 phẩm chất này là đủ: Ý thức công dân, Trách nhiệm cộng đồng, Chuyên cần, Trung thực, Nhân ái”- TS Lê Hiến Chương nhấn mạnh.

Học sinh không phải là siêu nhân!

Nhiều thầy cô có mặt tại buổi tọa đàm cũng đồng thuận cho rằng những phẩm chất mà theo như dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới đưa ra chỉ phù hợp với cấp tiểu học và trung học cơ sở. Việc càng đưa ra nhiều “yêu cầu” sẽ càng khó trong việc đánh giá học sinh.

“Tôi nghĩ những phẩm chất, năng lực mà học sinh có được sau khi thụ hưởng chương trình mới chỉ dừng ở tiềm năng lực thôi. Vì khi ra trường đời các em mới tiếp tục hoàn thiện, nhà trường đừng có tham vọng quá, sẽ đào tạo luôn được những con người như thế. Học sinh có phải siêu nhân đâu mà kỳ vọng lớn thế”- PGS-TS Phạm Văn Tình nêu quan điểm.

PGS Tình cũng cho rằng, nếu xác định học sinh phải đạt được 6 phẩm chất và 10 năng lực như đã nêu, thì cần phải có sự thay đổi trong cách kiểm tra đánh giá, cách thầy cô truyền đạt kiến thức. Như hiện nay, thầy cô giáo truyền đạt kiến thức trong sách giáo khoa, sau đó kiểm tra đánh giá đều hỏi lại điều đó và học trò trả bài theo những gì học vẹt được. Nếu làm vậy thì rất khó yêu cầu học sinh có được sự sáng tạo, khả năng tự học.

Trước những băn khoăn này, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể - cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của các thầy cô, chuyên gia giáo dục: “Chúng tôi sẽ cố gắng làm sao cô đọng lại. Chăm chỉ hay chuyên cần thay cho “chăm học chăm làm” thì đồng ý.  Đúng là có những phẩm chất, năng lực phải rèn suốt đời, nên thực sự không bao giờ hoàn thiện được trong trường phổ thông. Chúng tôi cố gắng cân nhắc, rút gọn để tránh dẫn đến việc quá tải cho người học và người dạy”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn