MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sinh viên tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học. Ảnh: Trang Hà

E ngại nghiên cứu khoa học là vấn đề cao siêu, nhiều sinh viên chọn từ bỏ

trà my LDO | 19/08/2023 12:48

Dù nhận thức được tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học nhưng nhiều sinh viên vẫn có những lí do để “từ chối” tham gia vào hoạt động này.

Tâm lí sợ khó và khổ

Nhiều giảng viên ở các trường đại học đánh giá, thực hiện nghiên cứu khoa học là phương pháp hiệu quả giúp sinh viên mở rộng vốn kiến thức, áp dụng kiến thức lý thuyết đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn. Nhận thức được tầm quan trọng và những lợi ích mà nghiên cứu khoa học mang lại, song nhiều sinh viên lại không mấy chú tâm vào hoạt động này vì nhiều lý do khác nhau.

Từng là sinh viên có ý định nghiên cứu khoa học nhưng sau khi nghe mọi người xung quanh nói nghiên cứu khoa học rất khổ nên em Dương Như Quỳnh - sinh viên Trường Đại học Hà Nội đã chấp nhận từ bỏ việc nghiên cứu khoa học.

“Mọi người nói với em rằng nghiên cứu sẽ không còn thời gian làm bất cứ việc gì khác, nếu em không biết sắp xếp công việc sẽ khiến nghiên cứu không hoàn thành” - Quỳnh bày tỏ.

Lo lắng vì không chọn được đề tài đăng kí nghiên cứu khoa học, em Đặng Hoàng Anh - sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải xác định chỉ đi học, ra trường và kiếm được công việc ổn định là đủ.

“Em cũng muốn tham gia nghiên cứu khoa học để trải nghiệm, tuy nhiên em lại không tìm được đề tài nào thích hợp để thực hiện. Tham khảo nhiều người đã làm nghiên cứu khoa học, mọi người khuyên em không nên làm vì rất khó khăn và vất vả để tìm tòi tài liệu, đôi khi phải “ngộp thở” vì số lượng tài liệu tham khảo quá tải. Vì sợ khó và khổ nên em chọn lối đi khác an toàn hơn” - Hoàng Anh cho biết.

Để sinh viên hào hứng với nghiên cứu khoa học

Lí giải về việc có một số sinh viên còn e ngại, rụt rè không tham gia nghiên cứu khoa học, TS Đỗ Xuân Đức - giảng viên khoa các Khoa học liên ngành - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết có 4 lí do như sau:

Thứ nhất sinh viên chưa đủ sự đam mê, quyết tâm để theo đuổi nghiên cứu khoa học hoặc có những sinh viên có rất nhiều mối bận tâm khác mà chưa thực sự chú trọng đến hoạt động này.

Việc tham gia nghiên cứu khoa học đem lại nhiều lợi ích cho sinh viên. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thứ hai nằm ở việc giảng viên chưa biết cách dẫn dắt, định hướng cho các em hoà nhập với nghiên cứu khoa học. Điều này rất quan trọng bởi muốn cho sinh viên tăng cường đam mê, năng lực và hứng thú khi nghiên cứu khoa học, sự dẫn dắt của các thầy cô là yếu tố quyết định.

Yếu tố thứ 3 là vấn đề hỗ trợ kinh phí của các trường còn khá eo hẹp cho việc thực hiện nghiên cứu khoa học.

Điều cuối cùng là các trường hiện nay chưa đẩy mạnh hoạt động truyền thông, có chiến lược thúc đẩy hoạt động cho nghiên cứu khoa học.

Theo ông Đức, muốn sinh viên tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học, trước hết phải xuất phát từ chính nhu cầu của sinh viên. Bản thân sinh viên phải là người không ngại dấn thân và đam mê nghiên cứu khoa học. Nếu đam mê và theo đuổi chắc chắn hiệu quả đạt được sẽ cao lên. Ngoài ra, để sinh viên mặn mà hơn với nghiên cứu khoa học, ông Đức cho rằng nhà trường đóng vai trò rất quan trọng.

“Mỗi năm nhà trường dành 6 - 8% nguồn thu dành cho nghiên cứu khoa học. Nếu các trường thực hiện đúng số tiền này thì hiệu quả sẽ rất thiết thực. Ngoài ra, nhà trường có thể tăng cường các buổi giao lưu và chia sẻ kiến thức nghiên cứu khoa học đến sinh viên. Tạo lập các nhóm, các câu lạc bộ về nghiên cứu khoa học sinh viên. Ngoài ra, các đoàn thể trong trường đẩy mạnh tổ chức để giúp nghiên cứu khoa học trở nên thực chất, dần dần trở thành phong trào trong nhà trường” - ông Đức đề xuất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn