MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đầu tháng 6, học sinh tại các tỉnh thành sẽ tham dự kì thi tuyển sinh lớp 10. Ảnh: Vân Trang

"Ép học sinh không thi lớp 10" và câu chuyện phân luồng sau bậc THCS

NGUYỄN VĂN LỰC (GIáo viên Trường THCS TRỊNH PHONG, KHÁNH HOÀ) LDO | 20/04/2024 06:00

Việc phân luồng học sinh sau bậc THCS là điều nên làm nhưng nó không đồng nghĩa ép học sinh yếu kém không dự thi vì đây là quyền của các em.

Đầu tháng 6, các tỉnh thành sẽ tổ chức kì thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập. Kì thi tuyển sinh lớp 10, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM... luôn được ví là căng thẳng hơn cả thi đại học do hệ thống trường công lập không đáp ứng hết nhu cầu của học sinh. Trong khi phụ huynh ai cũng mong con thi đỗ và học trường công lập. Chính vì vậy, học sinh học ngày học đêm, ôn tại các lò luyện trước khi tham dự kì thi. Vậy, đâu là giải pháp làm giảm áp lực của kì thi tuyển sinh lớp 10 hằng năm?

Gắn bó với ngành giáo dục hơn 30 năm, tôi cho rằng, khi làm tốt công tác phân luồng học sinh sau bậc THCS, có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, còn lại 60% vào lớp 10 công lập thì việc tuyển sinh trở nên nhẹ nhàng, áp lực luyện thi sẽ triệt tiêu. Nói cách khác khi chỉ tiêu đăng kí bằng hoặc nhỏ hơn chỉ tiêu tuyển sinh thì việc luyện thi không có tác dụng nhiều.

Để phân phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, trước hết nhà trường cần đánh giá đúng năng lực học tập thực chất của học sinh công tâm, khách quan. Bằng việc thầy cô cho điểm học sinh đúng thực lực, thực chất, không chạy theo bệnh thành tích.

Nhưng để thực hiện việc này, để nhà trường không chạy theo bệnh thành tích thì cấp trên phòng, sở không giao chỉ tiêu hay xếp loại thi đua trường mà cần đánh giá đúng năng lực của từng nhà trường.

Nếu trường nào có tỉ lệ trúng tuyển lớp 10 công lập thấp nhưng điểm tổng kết năm học có tỉ lệ điểm khá, giỏi quá cao thì cần xem xét lại (thực hiện đối sánh điểm 3 môn thi với điểm học bạ của 3 môn thi tuyển) làm căn cứ điều chỉnh đánh giá kịp thời về chất lượng dạy và học ở các trường THCS.

Các cấp quản lý cũng cần giám sát, quản lý chặt chẽ việc dạy thêm hiện nay của giáo viên bộ môn trong các nhà trường, nhất là việc ra đề cần được bảo mật tốt hơn để tránh tình trạng lộ đề, lọt đề… đã xảy ra khi trường chưa tiến hành kiểm tra đánh giá giữa kì hay định kì mà đề đã được ôn tập, giải ở các lớp học thêm không ngoài mục đích kéo học sinh học thêm, luyện thi.

Đặc biệt cần thiết, sau mỗi học kì, khi tiến hành họp phụ huynh lớp 9, nhà trường chủ động báo cáo tình hình học tập của học sinh cho phụ huynh biết và tư vấn để phụ huynh có những định hướng cần thiết cho con em mình.

Một khi nhà trường làm tốt công tác tuyên truyền, phụ huynh hiểu được học lực của con em mình, học sinh nhìn thấy khả năng thực sự của mình thì công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS mới đạt được hiệu quả. Nếu công tác phân luồng chưa có sự phối kết hợp tốt, thiếu đồng bộ nhất là giữa các trường THCS với trường nghề; bệnh thành tích vẫn còn; nạn dạy thêm, học thêm chưa kiểm soát được thì việc phân luồng học sinh sẽ vẫn khó cải thiện được.

Cũng cần nói thêm, phía các nhà trường, giáo viên tuyệt đối không vận động các em không thi vào lớp 10 kể cả học sinh có học lực trung bình, yếu... vì đây là quyền của các em. Nhà trường chỉ làm công tác tư vấn cho phụ huynh, học sinh hiểu lớp 10 công lập không phải con đường duy nhất để các em lập thân lập nghiệp mai sau. Có thể các em học ở các trường nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên…, tùy theo năng lực và quyết tâm học hành của chính mình thay vì tâm lí "chuộng bằng cấp".

Kì thi tuyển sinh 10 vẫn luôn là kì thi áp lực, căng thẳng, tốn kém cho phụ huynh và ngân sách nhà nước. Vậy nếu làm tốt công tác phân luồng học sinh sẽ giảm áp lực luyện thi vào lớp 10.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn