MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc thi vào lớp 10 hay không là quyền được lựa chọn của học sinh. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn.

"Ép" học sinh yếu kém không thi vào lớp 10: Vì thành tích?

Đặng Chung - Thiều Trang LDO | 21/04/2022 15:08

Giáo viên từng tham gia “vận động” học sinh của mình không tham dự kỳ thi vào lớp 10 chia sẻ những góc khuất, lý do họ “cực chẳng đã” phải làm việc này.

Xếp thứ hạng tất yếu sẽ chạy đua về thành tích

Gắn bó với nghề đã gần 15 năm, cô M.A - giáo viên cấp THCS tại Hà Nội - thừa nhận có hiện tượng "hướng nghiệp" cho học sinh học lực yếu không thi vào lớp 10. Những giờ qua khi dư luận “sốc”, phẫn nộ và cho rằng việc làm này là phản giáo dục, “hướng nghiệp theo kiểu thô bạo”, ảnh hưởng đến quyền được học tập của học sinh, cô M.A cũng rất đau lòng.

Cho rằng việc hướng nghiệp là chủ trương đúng đắn, tuy nhiên, cô M.A cho biết trong quá trình thực hiện thì có nhiều bất cập, “biến tướng”. Và giáo viên, dù muốn hay không bắt buộc phải trong vai người thực thi.

"Hiện nay ở Hà Nội có việc chia điểm trung bình rồi xếp hạng các trường nên xảy ra việc "chạy đua" giữa các lớp trong trường, các trường trong quận, các quận trong thành phố. Để nâng hạng, giữ hạng danh dự thì buộc các trường phải loại học sinh yếu kém" - giáo viên nói.

Giáo viên cho biết việc chia điểm trung bình các môn thi vào lớp 10, rồi xếp hạng điểm thi khiến các trường bị áp lực chuyện nâng hạng-giữ hạng. 

Cô giáo này cũng cho rằng, việc thống kê điểm trung bình các môn thi vào lớp 10 hằng năm khiến các trường "ám ảnh" về việc xếp thứ hạng, từ xếp thứ hạng tất yếu sẽ chạy đua về thành tích. Như vậy, các trường buộc mình phải cố gắng để "ngoi" lên top đầu, lấy uy tín với phụ huynh và học sinh.

Hãy lên tiếng

Việc tư vấn hướng nghiệp nhằm mục tiêu phân luồng sau THCS là chủ trương đúng của Nhà nước. Hiện nhiệm vụ này đã được giao cho các trường THCS. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mỗi trường có cách làm khác nhau. Tại Hà Nội, từ nhiều năm nay đã râm ran việc phụ huynh có con em học lực chưa tốt bị gọi lên để “vận động” và phải buộc phải “tự nguyện viết đơn xin cho con không thi vào lớp 10”.

Nhiều năm qua, mỗi mùa tuyển sinh, Báo Lao Động đã liên tục phản ánh sự việc này, nhưng vì lý do sợ con bị trù dập, mong con có môi trường bình yên để học tập và phát triển, phụ huynh đã chủ động mong báo chí không phản ánh thêm, không muốn đứng ra đối chất với nhà trường về sự việc nữa.

Cũng vì tâm lý này, sau những lần ồn ào dư luận, sau những lần thanh tra rồi xác minh, báo cáo của Phòng GDĐT lẫn Sở GDĐT luôn là: “Không có chuyện ép”, chỉ là vận động và “phụ huynh tự nguyện viết đơn”.

Việc tham dự hay không tham dự kỳ thi vào lớp 10 là quyền của học sinh và phụ huynh học sinh. Trách nhiệm của giáo viên là giúp đỡ, định hướng để học sinh nắm rõ năng lực của mình, nhưng học sinh sẽ là người đưa ra lựa chọn và có quyền được chọn hướng đi cho mình.

Việc hướng nghiệp theo cách liên tục gọi học sinh, phụ huynh lên gặp, nhắc nhở, yêu cầu viết đơn xin không dự thi…, đã tước đi quyền lợi của học sinh, khiến các em có học lực yếu trở thành cá biệt và bị chán nản vì sớm loại khỏi cuộc đua vào lớp 10 so với bạn bè.

Rất nhiều phụ huynh, những người từng nếm trải sự việc này đã bức xúc, thương xót con em mình. Nhưng ai sẽ lên tiếng, công khai tất cả sự việc, để “trị” dứt điểm căn bệnh thành tích, để học sinh không chịu cảnh “bị can thiệp thô bạo” như này? Rất cần sự dũng cảm, những tiếng nói mạnh mẽ từ phía phụ huynh và cả học sinh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn