MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lớp học tình thương ở TP Vĩnh Long đã có gần 25 hoạt động, có hơn 1.000 trẻ em theo học. Ảnh: Hoàng Lộc

Gần 25 năm âm thầm mang con chữ đến hơn 1.000 trẻ mồ côi, khuyết tật

HOÀNG LỘC LDO | 20/11/2023 07:01

Một lớp học tình thương ở TP Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) được cô giáo U70 mở dạy miễn phí cách nay gần 25 năm. Lớp học đã có hơn 1.000 trẻ em đặc biệt theo học và đã biết đọc chữ, viết đúng tên mình.

Tận dụng không gian nhỏ bên hiên nhà cô Nguyễn Thị Huỳnh Nga (67 tuổi, ở phường 8, TP Vĩnh Long) mở lớp học tình thương miễn phí cho những em nhỏ bị khuyết tật, mồ côi, bệnh hiểm nghèo… trên địa bàn TP Vĩnh Long từ những năm cuối của thập niên 90.

Hiện nay, lớp học tình thương mở dạy vào các ngày thứ Ba, thứ Tư hàng tuần, sĩ số 45 học sinh với nhiều hoàn cảnh khác nhau.

Đa số trẻ em tham gia lớp học có hoàn cảnh gia đình khó khăn, mồ côi, bị mắc bệnh hiểm nghèo. Ảnh: Hoàng Lộc

Em Lê Thị Ngọc Trinh (sinh năm 1999, ở TP Vĩnh Long) có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Trinh bị khờ khạo, ít nói chuyện, em đi nhặt ve chai ở khắp các tuyến đường ở nội ô TP Vĩnh Long.

“Được học ở lớp tình thương của cô Nga là niềm vui lớn nhất đời em. Vì em không được đi học như những bạn khác ở những ngôi trường to, đẹp. Ngoài học chữ, cô còn dạy chúng em lễ phép hàng ngày”, Trinh chia sẻ.

Trong số học sinh theo học có những hoàn cảnh đặc biệt. Em L.T.M.A (17 tuổi, ở TP Vĩnh Long) bị nhiễm HIV từ cha, mẹ. Cha bỏ đi, mẹ mất nên A phải sống cùng bà ngoại lớn tuổi, bệnh nặng không còn sức lao động.

“Hàng ngày đi bán vé số kiếm tiền và biết được lớp học của cô Nga. Những ngày đầu em chỉ dám đứng nhìn từ ngoài cửa rào, sau đó được cô cho vào học như các bạn. Em đã học từ năm 2015 đến nay, giờ em đã viết được họ tên của mình và các phép tính cộng, trừ”, em A nói.

Lớp học tình thương của cô giáo Nguyễn Thị Huỳnh Nga đã đào tạo hơn 1.000 học viên biết đọc chữ, viết tên mình. Ảnh: Hoàng Lộc

Cô Huỳnh Nga tâm sự, từng công tác trong ngành giáo dục, đi vận động học sinh đến trường, phổ cập giáo dục... Cô từng chứng kiến những thiệt thòi của trẻ tật nguyền, thiểu năng trí tuệ, lang thang cơ nhỡ. Nên từ năm 1999, cô đã mở cả một lớp học tình thương hoạt động cho đến ngày hôm nay.

“Hơn 1 năm qua, sức khỏe giảm nhiều, thường xuyên mệt nhưng lớp học vẫn được hoạt động 2 buổi/tuần. Lớp sẽ còn tiếp tục hoạt động cho đến khi nào điều kiện sức khỏe không cho phép đứng lớp như hiện nay”, cô Nga cho biết thêm.

Trao đổi với Lao Động về lớp học tình thương của cô Nga, bà Trương Ngọc Nhung - Phó Chủ tịch UBND phường 8, TP Vĩnh Long - cho biết, cô Nguyễn Thị Huỳnh Nga sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống về giáo dục và có nhiều đóng góp với cộng đồng.

Theo bà Nhung, mặc dù cô Nga về hưu, tuổi cao sức khỏe giảm, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng cô vẫn yêu nghề, đầy tâm huyết trao gửi tấm lòng mình đối với lớp trẻ thơ. Hàng tháng cô trích một phần lương hưu để cùng địa phương duy trì lớp học.

“Việc làm của cô Nga lan tỏa tính nhân văn trong cộng đồng, được nhiều nhà hảo tâm, các tổ chức đoàn thể xã hội trong và ngoài tỉnh, kể cả nước ngoài cùng chung tay hỗ trợ cho các em trong lớp học”, bà Nhung cho biết thêm.

Cô Nguyễn Thị Huỳnh Nga được các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng cho công tác xóa mù chữ từ lớp học tình thương. Năm 2018, Cô vinh dự được nhận Giải thưởng KOVA - Giải thưởng đề cao giá trị nhân văn và ý nghĩa thiết thực mà các công trình này mang lại cho xã hội...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn