MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh sẽ làm bài thi môn Tổ hợp Khoa học tự nhiên, hoặc tổ hợp Khoa học xã hội vào sáng 10.8. Ảnh: Hải Nguyễn

Gần 900.000 sĩ tử bước vào ngày thi thứ 2 của kỳ thi đặc biệt chưa từng có

Nhóm PV Lao Động LDO | 10/08/2020 06:17

Sáng 10.8, thí sinh trên cả nước sẽ làm bài thi môn tổ hợp của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 - kỳ thi "có một không hai" trong lịch sử do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Dù còn lo lắng vì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng thí sinh đã thoải mái, tự tin hơn sau khi hoàn thành 2 bài thi quan trọng là Văn và Toán trong ngày thi đầu tiên.

Điểm mới nhất của kỳ thi năm nay là thi hai tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội diễn ra song song trong cùng buổi sáng 10.8. 

Thí sinh xếp hàng đo thân nhiệt trước khi vào phòng thi tại điểm Trường THCS Nghĩa Tân (Hà Nội). Ghi nhận của Hải Nguyễn sáng 10.8. 

Trong đó, có gần 300.000 thí sinh đăng lý làm bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Lý-Hóa-Sinh) và gần 500.000 thí sinh làm bài thi môn Tổ hợp khoa học xã hội (Lịch sử - Địa lý – Giáo dục công dân).

 Các sĩ tử đều thực hiện việc đeo khẩu trang để phòng dịch. Ảnh: Hải Nguyễn

Những năm trước thí sinh có thể đăng ký dự thi một hoặc đồng thời hai bài thi tổ hợp nên lịch thi của hai bài thi này diễn ra trong hai ngày khác nhau.

Nhưng năm nay, theo quy chế, thí sinh chỉ được quyền chọn thi một trong hai bài thi tổ hợp, nên việc tổ chức đồng thời hai bài thi tổ hợp trong cùng một buổi sáng cũng không ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh.

Ngược lại, nhờ việc này, thời gian thi được rút ngắn xuống còn 2 ngày, thay vì 2,5 ngày như những năm trước.

Nhiều thí sinh cho biết, bước vào ngày thi thứ 2 với tâm trạng thoải mái. Ảnh: Tạ Quang

Theo ghi nhận của Lao Động tại các điểm thi, từ hơn 6h sáng, nhiều thí sinh ở Hà Nội đã có mặt tại các điểm trường, thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và đo nhiệt độ.

Các quy định về giãn cách được thí sinh chủ động thực hiện, để bảo vệ sức khỏe cho mình, vượt qua kỳ thi một cách an toàn.

Đáng chú ý, tại một điểm thi thuộc huyện Đan Phượng (Hà Nội) có một giáo viên là trường hợp F1. Do đó, Hà Nội đã chỉ đạo chuyển cả điểm thi này sang điểm thi Trường THCS Tân Hội, thay toàn bộ tổ giáo viên coi thi tại điểm thi này bằng tổ giáo viên khác.

Bên cạnh đó, qua rà soát, Hà Nội có 3 thí sinh thuộc diện F2 và 68 thí sinh từ Đà Nẵng về. Dù test nhanh đều âm tính nhưng vẫn có nguy cơ tiềm ẩn nhiễm virus SARS-CoV-2, nên tổng cộng 71 thí sinh này đều được bố trí thi đợt sau.

Thí sinh được phân luồng để đo thân nhiệt và khử khuẩn tay trước khi vào phòng thi tại điểm thi trường THCS Hoàng Liệt. Ảnh: Vũ Lê

Tại điểm thi Trường THCS Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội), trong ngày thi đầu tiên, 1 thí sinh có biểu hiện sốt, đau họng, cán bộ y tế tiến hành đo thân nhiệt là 38 độ C.

Ngay lập tức hội đồng thi đã tiến hành tách thí sinh vào phòng thi dự phòng, đồng thời báo với bộ phận y tế phường Hoàng Liệt đến lấy mẫu test nhanh COVID-19 theo chỉ đạo của Sở GDĐT. Thí sinh sau đó làm bài thi bình thường tại phòng cách ly riêng.

Ngày 10.8, thí sinh này vẫn tham dự kỳ thi bình thường và đang đợi lấy kết quả xét nghiệm COVID-19. Bài thi của thí sinh được áp dụng quy định nghiêm ngặt về việc khử khuẩn để phòng dịch.

Tại Thái Bình, 7 thí sinh tại thôn Bùi (xã Hòa Tiến, Hưng Hà, Thái Bình), nơi đang bị phong toả vì có 1 bệnh nhân mắc COVID-19 và 1 thí sinh đi từ vùng dịch Đà Nẵng về đã được đưa đến trường thi bằng xe chuyên dụng. Các cơ quan chức năng thống nhất bố trí kíp trực và xe chuyên dụng để đưa đón các thí sinh đến điểm thi trước giờ quy định 30 phút và về sau các thí sinh 30 phút.

Để đảm bảo điều kiện cho 8 thí sinh trên, ngoài 31 phòng thi theo kế hoạch, điểm thi đã bố trí thêm 1 phòng thi riêng cho 8 thí sinh này tại tầng 3 của nhà điều hành, tách biệt hoàn toàn với các phòng thi còn lại.

Bài thi của thí sinh này cũng sẽ được nhân viên y tế dùng đèn cực tím khử khuẩn và niêm phong trong tủ riêng.

Trước đó, ngày thi thứ nhất của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã diễn ra trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi trên cả nước. Các địa phương đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để kỳ thi có thể diễn ra an toàn, nghiêm túc.

Các địa phương có các huyện, xã miền núi, hải đảo đã quan tâm sâu sát đến từng thí sinh là người đồng bào dân tộc, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, huy động các nguồn lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tham gia kỳ thi (tỉnh Bình Thuận đưa thí sinh từ đảo Phú Quý vào đất liền dự thi, tỉnh Quảng Ninh đã đưa các thí sinh từ đảo Quan Lạn vào đất liền dự thi).

Thông tin từ Bộ GDĐT, trong ngày thi đầu tiên (9.8),  đã có 26.308 thí sinh tại 23 tỉnh/thành phố chưa thể dự thi đợt đầu do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, chiếm tỉ lệ 2,92% tổng số thí sinh đăng ký dự thi trên toàn quốc.

Đề thi môn Ngữ văn và môn Toán được thí sinh, giáo viên đánh giá vừa sức, không đánh đố thí sinh. Đề Văn mang tính thời sự, khích lệ tinh thần đoàn kết, trách nhiệm với quê hương, đất nước, nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang gặp khó khăn do dịch bệnh.

Trong ngày thi đầu tiên cũng có 13 thí sinh bị đình chỉ thi do mang tài liệu và điện thoại vào phòng thi.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn