MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Yến đã phải “chiến đấu” với căn bệnh hiểm nghèo suốt 12 năm qua. Ảnh: D.C

Gập ghềnh đường đến trường của cô học trò bị bệnh Thalassemia

N.T LDO | 05/09/2019 14:01
12 năm trời “chiến đấu” với căn bệnh Thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh) cũng không thể ngăn được cô học trò nhỏ Ngô Thị Mỹ Yến tiếp tục giấc mơ cắp sách đến trường. Cô gái nhỏ ước mơ trở thành kỹ sư nông nghiệp để lai tạo nhiều giống cây trồng giúp cho người nông dân nghèo quê mình.

Ngô Thị Mỹ Yến (14 tuổi, học sinh lớp 9 Trường THCS Ân Hữu, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định)là con út trong một gia đình nông dân nghèo có 3 anh chị em. Bố là ông Ngô Đình Thảo (50 tuổi), mẹ là Hồ Thị Bé (46 tuổi, ở xóm 5, thôn Hội Nhơn, xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân).

Lúc mới sinh, Yến bình thường như bao đứa trẻ bình thường khác. Nhưng lên 2 tuổi, gia đình mới phát hiện em bị bệnh hiểm nghèo, căn bệnh Yến mắc phải là bệnh Thalassemia. Bệnh này để lại rất nhiều di chứng cho người bệnh và nguy hiểm đến tính mạng, chi phí để điều trị vô cùng tốn kém.

“Khi cháu 2 tuổi thì da vàng nhợt nhạt, thỉnh thoảng lại lên cơn co giật. Vợ chồng tôi mới đưa đi BVĐK khu vực Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn), sau đó là BVĐK tỉnh Bình Định để khám, điều trị. Nhưng do bệnh nặng, cháu được chuyển tiếp vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh). Tay chân tôi rụng rời khi nghe bác sĩ kết luận cháu mắc phải bệnh tan máu bẩm sinh” - ông Thảo nhớ lại.

Ba năm đầu chống chọi bệnh tật, cứ đều đặn 2 tháng, gia đình phải đưa Yến vào TP Hồ Chí Minh truyền máu, chi phí mỗi lần đi tốn kém 3-4 triệu đồng. Sau đó, để duy trì sự sống, hàng tháng Yến phải vào BVĐK tỉnh Bình Định để truyền máu.

 Cô gái nhỏ ước mơ trở thành kỹ sư nông nghiệp. Ảnh: D.C

Thế nhưng, gần đây mỗi lần truyền máu, Yến có biểu hiện lâm sàng phản vệ độ 2 trong truyền máu. Do vậy, bác sĩ yêu cầu gia đình đưa em vào lại Bệnh viện Nhi Đồng 1 để được khám, có hướng điều trị tốt hơn.

“3 lần truyền máu gần đây, cháu bị phản ứng khi truyền máu nên gia đình phải ký vào bản cam kết thì bác sĩ mới đồng ý truyền máu. Lần trước, khi truyền máu vào cháu bị ép tim, ngưng thở. May bác sĩ kịp thời cấp cứu, nếu không cháu đã không qua khỏi” - ông Thảo nhớ lại.

Từ ngày Yến lâm bệnh, dù vợ chồng đã rất cố gắng làm lụng, kiếm tiền lo chữa trị cho con. Hàng ngày, ông Thảo đi làm thợ hồ được 220.000 đồng/ngày, song công việc bấp bênh lúc có lúc không.

Còn mẹ Yến thì ở nhà, lo việc nhà rồi nuôi thêm đàn lợn để có tiền lo chữa bệnh cho em, với người con thứ 2 đang học nghề ngoài TP. Đà Nẵng. Thế nhưng, chi phí chữa bệnh cho Yến ngày càng tăng, chăn nuôi thì thua lỗ khiến kinh tế gia đình ngày càng lâm vào túng quẫn, nợ nần.

Đã 14 tuổi, nhưng dáng người Yến nhỏ, gầy gò, làn da nám sạm. Đã 12 năm “chiến đấu” với căn bệnh hiểm nghèo, em chỉ biết cúi mặt xuống khi nghe cha mẹ kể về những khó khăn từ ngày em lâm bệnh nặng.

“Em mong ước mình được khỏi bệnh cho cha mẹ đỡ khổ. Em thích nhìn thấy sự sống đâm chồi nảy lộc. Vậy nên em ước khỏe mạnh bình thường để tiếp tục học, sau này trở thành một kỹ sư nông nghiệp để lai tạo ra nhiều giống cây trồng hữu ích cho người dân nghèo quê em”- Yến rưng rưng chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Huân - Chủ tịch xã Ân Hữu xác nhận, trước đây, kinh tế gia đình Yến cũng khấm khá nhưng từ khi đứa con gái út bị bệnh hiểm nghèo, phải lo chi phí chữa trị nhiều khiến kinh tế gia đình trở nên khó khăn. Vì vậy, địa phương đã tạo điều kiện đưa vào hộ nghèo giúp giảm một nào chi phí khi đưa cháu đi viện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn