MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Gặp người duy nhất được công nhận chức danh Giáo sư ngành Vật lý năm 2020

Nguyễn Hà - Văn Thắng LDO | 11/02/2021 18:30

Ông Nguyễn Phúc Dương - Giám đốc Viện Đào tạo Quốc tế về Khoa học Vật liệu - Trường đại học Bách Khoa Hà Nội là ứng viên duy nhất được công nhận là Giáo sư ngành Vật lý năm 2020. Báo Lao Động có cuộc trò chuyện để hiểu hơn về con đường nghiên cứu khoa học của ông.

Là người duy nhất được công nhận chức danh Giáo sư ngành Vật lý năm 2020, ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình?

- Tôi thấy vui mừng vì đây là chặng đường rất dài trong quãng đường làm nghiên cứu khoa học của cá nhân tôi và cũng là thành tựu của nhóm nghiên cứu của chúng tôi là nhóm thuộc phòng thí nghiệm nano từ chức năng của Viện Đào tạo Quốc tế về Khoa học Vật liệu - Trường đại học Bách Khoa Hà Nội (ITIMS). Điều này cũng khẳng định hoạt động hiệu quả trong thời gian vừa qua, là niềm khích lệ cho thầy và trò.

GS. Nguyễn Phúc Dương đã mất 11 năm từ Phó Giáo sư để nhận chức danh Giáo sư.

Từ học hàm Phó Giáo sư, ông mất thời gian bao lâu để trở thành Giáo sư?

- Tôi nhận được chức danh Phó Giáo sư năm 2009, đến nay khi được công nhận Giáo sư là 11 năm.

11 năm cố gắng, phấn đấu, ông có thể kể gì về quãng thời gian đó với những nỗ lực của mình để trở thành Giáo sư?

- Chức danh Giáo sư đòi hỏi đồng thời một số tiêu chuẩn trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Nỗ lực của cá nhân tôi gắn với mục tiêu phát triển của cả Viện, vì vậy tôi xác định là một công việc kéo dài trong suốt sự nghiệp của mình, khi nào đạt được chức danh đó, được ghi nhận là lúc mà chúng tôi thấy rằng giai đoạn đó đã được ghi nhận.

Cá nhân tôi trước hết phải đóng góp được những hướng nghiên cứu mới cho phát triển, trọng tâm của nhà trường, của Viện. Đồng thời phải thu hút được lực lượng nghiên cứu trẻ gồm sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh tại Viện ITIMS. Trong thời gian 11 năm qua, chúng tôi đã đào tạo đáng kể số lượng học viên Cao học, tôi cũng đã hướng dẫn được 6 nghiên cứu sinh bảo vệ luận án Tiến sĩ và 2 nghiên cứu sinh bảo vệ ở cấp cơ sở.

This browser does not support the video element.

Ông Nguyễn Phúc Dương - Giám đốc Viện Đào tạo Quốc tế về Khoa học Vật liệu - Trường đại học Bách Khoa Hà Nội là ứng viên duy nhất được công nhận là Giáo sư ngành Vật lý năm 2020.

Cơ duyên nào đưa ông đến với con đường nghiên cứu khoa học và gắn bó với nghiên cứu khoa học?

- Bản thân tôi có định hướng về nghiên cứu khoa học tự nhiên từ thuở nhỏ, truyền thống gia đình có bố và các chú đều nghiên cứu về Vật lý, theo bước thế hệ cha anh từ bé tôi đã có ý thức là muốn học về các ngành khoa học tự nhiên. Khi học Đại học, tôi chọn ngành Hóa học, học lên Cao học và nghiên cứu sinh thì tôi chọn con đường nghiên cứu về Vật liệu, nhấn mạnh khía cạnh Vật lý trong vật liệu. Đó là cơ duyên của tôi.

Ngành vật liệu là một ngành rất rộng, bao gồm các kiến thức về Hóa học, cấu tạo chất, nhưng khi ứng dụng nó lại là ứng dụng về các tính chất Vật lý như điện, từ, quang của các vật liệu.

Ông có thể chia sẻ một số những câu chuyện, kỉ niệm của mình khi thuở bé được tiếp xúc với khoa học ra sao khi gia đình có bố, các chú, cô làm về lĩnh vực này, có điều gì thúc đẩy ông?

- Tôi sinh ra và lớn lên trong những thập kỷ 70 của thế kỉ trước, đất nước ta khi ấy sau chiến tranh và đang trong giai đoạn xây dựng, do đó những kiến thức về khoa học công nghệ là điều mới mẻ, soi sáng cho các thế hệ thanh niên khi đó, ai cũng yêu thích và dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học để hiểu được tự nhiên.

Bố tôi làm về lĩnh vực sản xuất ra những vật liệu từ khi đất nước đang trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, từ nhỏ tôi đã được tiếp xúc với những vật liệu, sản phẩm mà các cụ đã làm ra. Do đó khi đi học đến các bậc, lên Tiến sĩ tôi cũng cảm thấy hết sức quen thuộc, vui mừng khi được nâng cao kiến thức mà cha ông đã làm từ xưa.

Tiếp nối truyền thống gia đình GS. Nguyễn Phúc Dương đã nỗ lực phấn đấu để trở thành một trong những chuyên gia hàng đầu trong ngành vật lý vật liệu của Việt Nam.

Hiện nay có những công trình nghiên cứu của Viện nào được đánh giá cao?

- Viện Đào tạo Quốc tế Vật liệu nằm trong trường Đại học Bách Khoa Hà Nội là một trường công nghệ, vì thế chúng tôi luôn xác định những nghiên cứu của chúng tôi phải hướng đến những mục đích ứng dụng. Trong bối cảnh công nghiệp 4.0, ngành vật liệu điện tử nhất là vật liệu điện tử có kích thước nano mét có một vai trò hết sức quan trọng trong phát triển. Mục tiêu đặt ra của chúng tôi là phải đào tạo được cán bộ trẻ cho xã hội, và họ nắm được một số công nghệ nguồn, công nghệ hết sức cơ bản trong lĩnh vực điện tử và vi điện tử.

Để có được công nghệ nguồn thì không chỉ nghiên cứu về công nghệ mà phải biết sâu sắc về các quá trình cơ bản trong vật liệu. Rất may mắn Viện nghiên cứu ITIMS trong bối cảnh của Khoa học vật liệu nước nhà là viện rất mạnh cả 2 phương diện ngay từ đầu, về nhận thức các trào lưu nghiên cứu cơ bản cũng như công nghệ nguồn trong ứng dụng.

Ông truyền lửa thế nào cho sinh viên trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học?

- Với thế hệ trẻ, tôi truyền đạt trọn vẹn một câu chuyện về Vật lý, chúng ta có nhiều phương pháp học tập tích cực hiện nay để sinh viên thấy lôi cuốn. Chúng tôi cho sinh viên ra nước ngoài với những đối tác khu vực và thế giới.

Giáo sư Nguyễn Phúc Dương sinh năm 1971, quê ở Phường Vĩ Dạ, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên, là cựu sinh viên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn