MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giấc mơ con chữ nơi xóm trọ nghèo dưới chân cầu Long Biên

NGUYỄN ĐẠT - MINH PHƯƠNG LDO | 30/06/2024 18:17

Những em nhỏ tại khu trọ nghèo dưới chân cầu Long Biên dù sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh thiếu thốn, vẫn không ngừng ấp ủ ước mơ được cắp sách tới trường.

Lớp học đặc biệt giữa xóm liều

Giữa những dãy nhà lụp xụp như chực đổ - nơi cư ngụ của những lao động nghèo ở khu chợ Long Biên, chúng tôi bắt gặp hình ảnh các em nhỏ đang chơi đùa giữa một bãi phế liệu.

Ở xóm trọ nghèo này, một khu vui chơi đúng nghĩa dành riêng cho các em là điều xa xỉ. Những tấm tôn chắp vá, quây lại gọi là nhà và bãi phế liệu thì biến thành sân chơi.

Xóm trọ dưới chân cầu Long Biên. Ảnh: Hạnh Hoa

Tiến lại gần hơn, chúng tôi bắt gặp một “lớp học” có ba “học sinh” - ba đứa trẻ áo quần rách rưới, khuôn mặt lấm lem đang miệt mài ngồi học trên những tấm tôn gỉ sét. Một em gái lớn nhất đóng vai cô giáo, say sưa giảng bài cho các bạn.

Trên "bảng đen" - bức tường bê tông của một căn nhà khác, chi chít những dòng chữ được viết bằng "phấn trắng" - một mảnh phấn vẽ vải em xin được của một cô thợ may. Ánh mắt các em long lanh, sáng lên khi chuyền tay nhau những cuốn sách cũ đã ngả vàng.

"Xóm liều nuốt giấc mơ con"

Nghe tôi hỏi về tình hình tiếp cận giáo dục của những đứa trẻ nơi đây, một người phụ nữ trung niên tên Hà chỉ tay vào những đứa trẻ đang chơi đùa ở bãi đất, khẽ thở dài. Trong số những đứa trẻ kia, chỉ có một em được nhà trường hỗ trợ cho đi học. Những em còn lại chưa có cơ hội được tiếp cận với con chữ.

Một người phụ nữ khác tên Huyền chia sẻ rằng "xóm liều" được chia thành hai khu, gọi là xóm trên và xóm dưới. Xóm trên - nơi tôi đang đứng - có nhiều trẻ em hơn, hầu hết là con cháu của người dân nơi đây. Xóm dưới, nằm cạnh con kênh đen là nơi cho những sinh viên nghèo thuê trọ và là chỗ ở của những thanh niên trai tráng hành nghề “cửu vạn”.

"Cuộc sống ở đây tủi lắm. Con đi học, còn bố mẹ đi làm thuê, bốc vác ở chợ Long Biên. Sống trong cái cảnh này, xóm liều nuốt giấc mơ con, nên phải cố. Có khổ đến mấy cũng phải cố cho con đi học. Lớn lên mong bọn nó không còn phải vất vả như đời bố mẹ nữa" - chị Huyền rầu rĩ nói.

Những đứa trẻ sinh sống trong điều kiện khó khăn. Ảnh: Hạnh Hoa

Ước mơ của những đứa trẻ xóm liều

Bốn em nhỏ trong "lớp học": Hay, Diệp Anh, Tính và Oanh, dù cách nhau đến vài tuổi, nhưng chúng vẫn có thể ngồi trò chuyện, kết giao như những người bạn thân thiết. Bởi lẽ, giữa chúng có một sợi dây gắn kết vô hình. Sợi dây ấy chính là nỗi khổ chung, là cảnh ngộ bần cùng khi đều mắc kẹt trong khu ổ chuột tù túng.

Khi được hỏi có thích đi học không, Phùng Thị Hay - em gái khi nãy vào vai cô giáo - hồ hởi đáp: “Em thích lên lớp lắm. Em thấy đi học vui hơn, có nhiều bạn hơn”.

Ánh mắt em lấp lánh khi kể cho chúng tôi nghe về ước mơ mà em hằng ấp ủ: "Em muốn làm bác sĩ để cứu người. Em muốn đi học. Có học mai sau mới làm nghề được".

Bất ngờ, có tiếng gọi lũ trẻ về nhà từ xa vọng lại. Chẳng ai nhắc ai, cả đám đồng loạt chạy đi, bỏ lại chúng tôi với dòng tâm trạng ngổn ngang cùng những câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Tia sáng nhen nhóm

Rời khỏi xóm liều, nỗi ám ảnh về hoàn cảnh của những đứa trẻ nơi đây vẫn đeo đẳng trong tâm trí chúng tôi. Ước mơ của các em vẫn còn đó, luôn rực cháy như những ngọn đèn trong đêm tối, nhưng con đường nào để đi tới viễn cảnh đẹp đẽ ấy thì vẫn còn bỏ ngỏ.

Hy vọng về một viễn cảnh tươi sáng hơn cho trẻ em nơi đây có thể xuất hiện trong khoảnh khắc Diệp Anh mặc đồng phục, "hiên ngang" bước ra khỏi khu xóm liều tù túng.

Khoảnh khắc để lại những hy vọng. Ảnh: Hạnh Hoa

Màu trắng trên áo em - gam màu sáng hiếm hoi trong xóm liều này, như thắp sáng cả một góc không gian. Hình ảnh ấy dường như là một lời dự báo rằng giáo dục chính là con đường duy nhất rọi sáng tương lai cho trẻ em nơi đây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn