MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh trường chuyên Amsterdam Hà Nội (ảnh minh họa). Ảnh: hải nguyễn

Giải thể hay đổi mới mô hình trường chuyên?

ĐẶNG CHUNG - SƯƠNG MAI LDO | 24/06/2020 11:43

Câu chuyện tuyển sinh tại các trường chuyên trên cả nước lâu nay vẫn căng thẳng, bởi mang tính tuyển chọn những học sinh ưu tú nhất, với đòi hỏi vô cùng khắt khe thậm chí khắc nghiệt. Nhưng những ngày qua, trước yêu cầu học bạ phải đạt hầu hết điểm 10 mới đủ điều kiện thi vào trường chuyên, nhiều ý kiến cho rằng, không tồn tại mô hình trường lớp này sẽ giảm được rất nhiều áp lực cho học sinh và bệnh thành tích trong giáo dục.

Mô hình trường chuyên khiến học sinh học lệch!

Trong mùa tuyển sinh năm 2020, để đủ điều kiện thi vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, học sinh phải đạt kết quả kiểm tra định kỳ cuối năm là 10 điểm ở hầu hết các môn. Trước yêu cầu này, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - một cựu học sinh trường Amsterdam khoá 1992-1995 đã đề xuất nên xóa bỏ mô hình trường chuyên trên cả nước, để tránh áp lực cho học sinh. Những ngày qua, quan điểm này đã nhận được sự quan tâm.

Lập luận được ông đưa ra là, mô hình trường chuyên tồn tại nhiều bất cập như: Bất công, là mô hình lấy của người nghèo chia cho người giàu, sử dụng ngân sách nhà nước từ thuế của nhiều bố mẹ khác để đầu tư cho học sinh trong trường là không công bằng. Đồng thời, việc chạy đua để vào trường chuyên khiến nảy sinh các tiêu cực như phụ huynh chạy chọt để con em có bảng điểm đẹp, có giải thưởng, làm gia tăng dạy thêm, học thêm...

 “Trường chuyên” hay “trường năng khiếu” ra đời hơn 40 năm nay, được coi là một thiết chế giáo dục công lập đặc biệt ở Việt Nam - nơi tuyển chọn và đào tạo những cá nhân suất sắc nhất của một lứa học sinh. Kết quả nổi bật nhất của các trường chuyên công lập là những giải thưởng học sinh giỏi quốc tế, quốc gia. Việc được học trường chuyên cũng là niềm tự hào của nhiều học sinh, gia đình. Trường chuyên cũng làm nên danh tiếng, thương hiệu của nhiều địa phương.

Thế nhưng, vấn đề “giữ” hay “bỏ” mô hình trường chuyên đã được đặt ra nhiều lần. Thực tế, trong Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ 1.7.2020 tới đây), trong các loại hình nhà trường của hệ thống giáo dục quốc dân, không có mô hình trường chuyên, lớp chọn. Dù luật không quy định, nhưng thực tế, hiện nay trên cả nước, mỗi tỉnh đều có ít nhất 1 trường chuyên. Các địa phương rất quan tâm và đầu tư nhiều kinh phí, tiền bạc cho các trường chuyên với kỳ vọng hằng năm sẽ gặt hái được thành tích.

Là người không ủng hộ việc mô hình trường chuyên, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, ưu ái đầu tư cho trường chuyên sẽ gia tăng bất công xã hội và sức ép chạy trường chạy lớp, khiến học sinh học lệch, chỉ tập trung vào các môn chuyên nhưng lại thờ ơ với các môn khác.

Đổi mới hay giải thể?

Trước những ý kiến cho rằng không nên tồn tại mô hình trường chuyên, trao đổi với Lao Động, bà Nguyễn Thị Thu - một chuyên gia giáo dục, tác giả cuốn sách “Kỷ luật mềm của trái tim” -  cho rằng mô hình trường chuyên vẫn cần thiết và nên có những đổi mới thay vì xóa bỏ.

Bà Thu phân tích, vì tư duy của phụ huynh luôn muốn con học trường chuyên để làm rạng danh gia đình nên mỗi mùa tuyển sinh luôn là cuộc chạy đua căng thẳng. Vì chỉ tiêu tuyển sinh có hạn trong khi hồ sơ nộp vào nhiều nên nhà trường buộc phải đưa ra tiêu chí xét tuyển học bạ, giải thưởng để sàng lọc. Quan trọng nhất là phụ huynh cần thay đổi tư duy và nhận thức trong việc lựa chọn môi trường giáo dục phù hợp với con em mình.

Còn theo chị Vũ Thị Huyền (cựu học sinh Trường THPT Chuyên Thái Bình) mô hình trường chuyên hiện nay nên phát triển thành các trường năng khiếu, để giảm áp lực cho học sinh.

“Trên thực tế, việc giỏi chuyên sâu về 1 lĩnh vực nào đó nên được phát triển theo hướng năng khiếu. Giỏi âm nhạc, hội họa, thể thao hay giỏi về kiến thức khoa học, xã hội cũng đều là giỏi. Tuy nhiên ở Việt Nam đa phần chỉ có trường chuyên cho kiến thức. Còn tài năng khác thì được xếp vào trường năng khiếu.

Tư duy thiên lệch này vô hình trung tạo cuộc chạy đua, áp lực đặc biệt cho các trường chuyên, lớp chọn không chỉ riêng ở Chuyên Hà Nội - Amsterdam mà hệ thống trường chuyên trên cả nước. Nếu tất cả được nhìn nhận một cách công bằng thì nên phát triển thành các trường năng khiếu. Các em học sinh cũng sẽ giảm bớt được sức ép, căng thẳng và có thời gian học tập những gì mình yêu thích” - chị Huyền gợi ý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn