MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) - một trong những trường có chất lượng đào tạo và sức thu hút học sinh không kém các trường công lập. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Giải tỏa “cơn sốt” tuyển sinh đầu cấp: Phải tìm hướng “thoát công”

NHÓM PHÓNG VIÊN LAO ĐỘNG LDO | 06/07/2018 07:15
Sau khi Hà Nội và TPHCM công bố điểm chuẩn vào lớp 10 các trường công lập, hơn 50.000 học sinh của cả 2 thành phố trượt vào trường công, buộc phải tìm đến các trường tư thục, dân lập.

Trong khi đó, hệ thống các trường công lập ngày càng quá tải, chất lượng cơ sở vật chất xuống cấp và mỗi mùa tuyển sinh vẫn là sự căng thẳng đối với cả nhà trường lẫn phụ huynh. Đã đến lúc việc tuyển sinh đầu cấp phải theo hướng “thoát công”, giải tỏa tâm lý “chuộng” công hơn tư. 

Công lập quá tải, tư thục rảnh rang

Tình trạng quá tải trường lớp CL ở các thành phố lớn diễn ra nhiều năm qua. Thậm chí, để có suất vào học tại các trường CL, nhiều phụ huynh đã buộc phải xếp hàng bốc thăm may rủi như chơi xổ số kiến thiết. Theo Sở GDĐT Hà Nội, toàn thành phố có 2.669 trường học, trong đó có 2.181 trường CL và 488 trường NCL. Nhiều trường CL ở Hà Nội có sĩ số vượt quá nhiều so với quy định 35-45 học sinh/lớp. Có lớp lên tới 50-60 học sinh/lớp. Hiện trạng này diễn ra từ nhiều năm nay, song bài toán này tới nay vẫn chưa có lời giải bởi tốc độ tăng trưởng dân số quá nhanh.

Trái ngược với sức hút của các trường CL, tuyển sinh các trường NCL lại ảm đạm hơn. Thực tế cho thấy, những ngày qua, khi Sở GDĐT Hà Nội và TPHCM công bố điểm chuẩn vào lớp 10, các phụ huynh có con không đỗ mới “nháo nhác” đi tìm trường NCL để nộp hồ sơ, nhiều phụ huynh còn rất lúng túng vì chưa từng tìm hiểu trước. Chị Hoàng Vân Thục Uyên (phụ huynh em T.C, ngụ Gò Vấp, TPHCM) cho biết: “Bây giờ tôi không biết cho con vào trường nào, trước mắt sẽ kiếm cho con trường THPT NCL gần nhà nhất”.

Học sinh trường dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) trong giờ lên lớp. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Nhiều phụ huynh quan tâm hơn đến trường ngoài công lập

Trái ngược với quan điểm của phần lớn phụ huynh vẫn chuộng trường CL, anh Trịnh Xuân (Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) lại chuyển ngay con sang học trường NCL sau 3 năm học tại CL. Anh tâm sự: “Gần như là một sự chẳng đặng đừng, tôi bắt buộc chuyển con tôi sang học trường NCL, sau khi cháu học hết lớp 3 ở trường CL - một trường thuộc hạng “top” ở quận Thanh Xuân. Nói “chẳng đặng đừng” là bởi tôi không thể chấp nhận việc cháu phải học ở một lớp có đến hơn 60 học sinh, quá đông, đến nỗi cô giáo không thể quan tâm sát sao đến từng cháu được. Cháu mới sang trường NCL được hơn 1 tháng, tinh thần của cháu khác hẳn, không những không còn sợ đến trường, mà cháu còn tỏ ra hào hứng mỗi sáng thức dậy. Cháu tự giác và tự lập hơn”.

Tương tự, chị Ngô Thanh (Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho rằng, lựa chọn sáng suốt nhất của mình là cho con học NCL. “3 năm trước, con trượt lớp 10 nên ghi danh vào học một trường NCL - THPT FPT, và với tôi đây chính là lựa chọn sáng suốt mà lẽ ra tôi phải chọn từ lâu. So với trường CL ngột ngạt vì quá đông học sinh, quá nhiều áp lực…, môi trường FPT khác hẳn. Các con sống nội trú nên biết tự lập. Môn tiếng Anh được chú trọng nên thôi, không phải tham gia các lớp tiếng Anh buổi tối ở Trung tâm nữa. Lớp chỉ 25 em nên thầy cô quan tâm hơn, mỗi em được phát huy hết khả năng, sự tự giác… Học phí cao - hẳn rồi, nhưng con không phải mất tiền học thêm, bố mẹ không phải đưa đón đi học nên thực tế cũng không quá cao so với khả năng của gia đình. Mừng nhất là đợt thi THPT quốc gia vừa rồi, con rất tự tin, làm bài khá tốt”.

Nhận thấy những ưu điểm của trường NCL, anh Ngọc Vũ (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) đã không cho con dự thi vào trường CL mà đã định hướng luôn cho con vào học tại một trường THPT NCL với chất lượng và mức học phí phù hợp khả năng của con và kinh tế của gia đình.

Ông Võ Ngọc Sơn - Hiệu trưởng Trường THPT Hàn Thuyên (quận Phú Nhuận, TPHCM), hiện nay có nhiều trường tư có chất lượng học, cơ sở vật chất ngày càng được nâng cao. Điều đó thể hiện có nhiều thí sinh không đăng ký thi tuyển sinh lớp 10 công lập, thay vào đó, các em chọn xét tuyển từ lớp 9 lên lớp 10 tại trường đang theo học. Tuy nhiên, có điều khiến các phụ huynh lo lắng vì hiện nay, học phí đối với các trường tư thục khá cao nếu so với các trường công lập. Theo khảo sát của PV, học phí hiện nay đối với các trường CL chỉ vài chục nghìn đến hơn trăm nghìn/tháng tùy cấp học. Trong khi đó, đối với hệ thống trường NCL thì mức học phí cao ngất ngưởng, dao động từ 4 triệu đồng đến 23 triệu đồng, thậm chí có trường quốc tế lên đến khoảng trên 40 triệu đồng/tháng.

Ông Đào Tuấn Đạt - Trưởng ban điều hành THPT Anhxtanh Hà Nội - cho rằng: Lo lắng lớn nhất của phụ huynh chính là học phí trường NCL khá cao. Tuy nhiên, học trường NCL, học sinh có nhiều điểm lợi như: Sĩ số ít nên được giáo viên quan tâm hơn, cơ sở vật chất tốt, giáo viên giỏi do các trường được tự chủ tuyển chọn, được bổ sung kỹ năng mềm và đặc biệt là có khả năng tiếng Anh, tính tự lập tốt. “Với từng đó ưu điểm thì rõ ràng, mức học phí cao hơn 2-3 triệu chẳng đáng là bao, thậm chí còn thấp hơn rất nhiều”, ông Đạt nhận định.

Cần công bằng với trường tư

* TS Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng Quản trị hệ thống trường chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội): Cần có cái nhìn công tâm, công bằng với các trường NCL. Nhiều người có quan niệm, trượt trường công mới vào trường tư, hay trường tư chỉ dành cho con nhà giàu vì có học phí cao. Mọi người thường dùng từ “phải” vào trường NCL khiến chúng tôi rất chạnh lòng, ông Hòa bày tỏ và đề nghị: Muốn cho các trường NCL phát triển được, học phí phù hợp với phần đông gia đình học sinh thì rất cần có sự đầu tư về cơ sở vật chất, ưu đãi về vay vốn, về mua đất của Nhà nước.

* GS Vũ Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường Hồng Hà (Hà Nội): Vai trò các trường NCL đối với xã hội là rất lớn vì đã gánh một phần quá tải, giảm ngân sách đầu tư cho giáo dục. Chính vì vậy, Bộ GDĐT nên quan tâm giúp đỡ hơn nữa các trường NCL. Trong thời gian vừa qua, sự quan tâm của Nhà nước đối với trường tư thục còn ít so với trường công lập.

* Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre): Lâu nay, cả xã hội chúng ta quan niệm và chỉ quan tâm đến các trường CL, nghĩ rằng đây là cơ sở có chất lượng cao nên dường như bỏ ngỏ, thậm chí khoán trắng lĩnh vực NCL. Chúng ta không có động viên gì lĩnh vực tư trong khi họ đang làm một việc rất quan trọng là góp phần cùng xã hội để đào tạo, giáo dục ra con người. Tôi thấy nhiều trường tư rất tốt nhưng quan niệm của chúng ta không có sự thay đổi nên trường công rất quá tải, các trường tư lại khó khăn để đảm bảo duy trì hoạt động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn