MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Giảm áp lực cho học sinh cuối cấp

Tường Vân LDO | 01/04/2024 06:49

Tại Hà Nội hay TPHCM và một số thành phố lớn khác, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 luôn được ví là căng thẳng, áp lực hơn thi đại học. Điều này là do số lượng trường THPT công lập giới hạn, chỉ đáp ứng được khoảng 60% số học sinh.

Chủ động hướng nghiệp cho con

Ngay từ thời điểm con học cuối lớp 8, gia đình chị Nguyễn Thị Hoài (Ba Đình, Hà Nội) đã làm công tác tư tưởng với con. Gia đình chị đã cùng đánh giá kết quả học tập của con, thảo luận, trao đổi với giáo viên để định hướng con đăng ký thi vào những trường THPT công lập phù hợp với khả năng.
Chị Hoài tâm sự, làm cha mẹ, ai cũng kỳ vọng, mong con đỗ được vào trường Top đầu như THPT Chu Văn An, THPT Phan Đình Phùng,... nhưng đôi lúc, những kỳ vọng này lại trở thành áp lực, gánh nặng lên con trẻ.

Theo dõi thông tin tuyển sinh năm nay, chị Hoài đánh giá, số lượng học sinh thi vào lớp 10 ở Hà Nội tiếp tục tăng, đồng nghĩa với việc cạnh tranh tấm vé vào trường công lập cũng sẽ cao hơn. Chính vì vậy, ngoài việc học của con, chị luôn cố gắng bố trí thời gian nghỉ ngơi, cùng con tham gia một số hoạt động thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe.

Cũng giống như chị Hoài, gia đình chị Nguyễn Thu Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đã sớm xác định, con sẽ học tại 1 trường THPT dân lập gần nhà nếu không thi đỗ nguyện vọng lớp 10 công lập.

"Tôi vẫn động viên con cố gắng học tập, thi hết sức trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới. Nhưng nếu kết quả không như mong đợi, con sẽ học trường tư" - chị Hương nói và nhận định, hiện nay, khối trường tư thục ở Hà Nội ngày càng được chú trọng đầu tư về chất lượng. Do đó, khi theo học tại các trường này, cơ hội vào đại học của con vẫn rất rộng mở.

Áp lực đến từ sự kỳ vọng của phụ huynh

TS. Vũ Việt Anh, Tổng Giám đốc Học viện Thành Công nhìn nhận, kỳ thi chuyển cấp từ lớp 9 lên lớp 10 là một trong những dấu mốc quan trọng đối với học sinh. Sở dĩ, kỳ thi này luôn căng thẳng một phần là do phụ huynh đặt quá nhiều áp lực, kỳ vọng lên con cái.

Ông cho rằng, để giảm bớt áp lực cho học trò cuối cấp, vai trò của cha mẹ và thầy, cô giáo là vô cùng quan trọng. Cha mẹ cần hiểu rõ khả năng và sở thích của con cái để định hướng họ nên thi vào trường nào cho phù hợp, giúp học sinh nhìn nhận việc thi cử như một thách thức cần vượt qua, không phải là áp lực.

Đồng thời, cần khuyến khích con tham quan, tham gia các hoạt động tại trường học mà họ dự định thi vào.

“Cha mẹ không nên để học sinh tiếp xúc quá nhiều với thông tin tiêu cực hoặc các tỉ lệ chọi vào các trường, điều này có thể gây ra tâm lý hoang mang.

Điều quan trọng là phải tạo ra một môi trường học tập hỗ trợ thân thiện, thoải mái nhằm khích lệ học sinh có thể phát triển toàn diện cả kiến thức và kỹ năng sống" - TS Việt Anh đưa ra lời khuyên.

Đa dạng hóa mô hình học tập để phân luồng học sinh

Ở Việt Nam, sau lớp 9 chỉ có có hai mô hình là THPT và trung cấp nghề, mà nói đến chữ nghề thì người dân có vẻ không mặn mà cho lắm. Đặc biệt là sự phân biệt hai loại văn bằng này (THPT và trung cấp nghề) để tuyển vào đại học và tuyển dụng, thăng tiến trong sự nghiệp lại gặp nhiều cản trở, khiến cho trung cấp nghề kém hấp dẫn. Bởi vậy, mấu chốt của vấn đề cần được tháo gỡ là không nên có sự phân biệt giữa THPT và trung cấp nghề, đều được gọi là tốt nghiệp trình độ trung học như thực tế trên thế giới.

Muốn đổi mới giáo dục thúc đẩy phân luồng và giảm sức ép học thêm, sức ép của kỳ thi vào lớp 10, các nhà quản lý giáo dục nên mạnh dạn đổi mới mạnh mẽ hơn nữa và đa dạng hóa trường trung học như việc cho phép trường đại học, cao đẳng tại địa phương đào tập bậc THPT nếu đủ điều kiện, hoặc ngay cả những doanh nghiệp có điều kiện cũng nên được cho phép mở các trường trung học (THPT, trung học kỹ thuật, trung học nghề) như Hàn Quốc đang làm,... Điều này sẽ giúp đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân.

TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Chuyên nghiệp - Bộ GDĐT

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn