MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giảm tỉ lệ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp: Thí sinh có bất lợi?

Linh Chi LDO | 27/07/2022 20:18

Nhiều thầy cô cho rằng việc giảm chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp cũng có những bất lợi nhất định cho các thí sinh sử dụng phương thức này. Tuy nhiên, đồng thời việc đa dạng các phương thức xét tuyển lại giúp các thí sinh tăng cơ hội tiếp cận với các trường đại học.

Nhiều trường top đầu giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT

Nếu như 2 năm trước, hầu hết các trường đại học dành phần lớn chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT thì năm nay nhiều trường giảm chỉ tiêu phương thức này và tăng chỉ tiêu xét tuyển riêng, trong đó có nhiều trường đại học top đầu.

Năm 2022, trường Đại học Bách khoa Hà Nội thay đổi đáng kể về tỉ lệ các chỉ tiêu. Cụ thể, trường chỉ dành 10 - 20% chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trong khi đó năm 2021, trường dành tới 80% chỉ tiêu cho phương thức này. Đồng thời, tăng chỉ tiêu cho kỳ thi đánh giá tư duy do trường tổ chức.

Theo lãnh đạo nhà trường, trong lộ trình những năm tới trường có thể sẽ không lấy chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt  nghiệp cho một số ngành học để đảm bảo chất lượng đầu vào.

Tương tự, trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng chỉ dành từ 10 - 15% chỉ tiêu tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT. Một số trường đại học khác cũng mạnh tay giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp như: Trường Đại học Công nghệ (ĐHQGHN), Học viện Ngoại giao, Trường Đại học Thủy lợi,... 

Bất lợi đi đôi với lợi thế

Chia sẻ với Lao Động, bạn Phan Thị Thanh Lam (học sinh lớp 12 trường THPT FPT) cho rằng các trường giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp nhưng đồng thời cũng sẽ tăng những chỉ tiêu bằng các phương thức xét tuyển khác nên sẽ là lợi thế đối với những bạn có học bạ đẹp, có chứng chỉ quốc tế... 

Mặc dù mới chỉ chuẩn bị lên lớp 12, nhưng bạn Đàm Quỳnh Giang (THPT Đa Phúc, Sóc Sơn) đã tìm hiểu rất kỹ về các phương thức tuyển sinh của các trường đại học năm nay. "Em nghĩ việc tuyển sinh bằng những phương thức riêng sẽ giúp các trường phân loại được thí sinh và đảm bảo chất lượng đầu vào. Có lẽ các bạn có học lực tốt sẽ hơi bất lợi nếu chỉ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp", Quỳnh Giang chia sẻ.

Việc đa dạng các phương thức xét tuyển giúp các thí sinh tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành mình yêu thích. Ảnh: LDO. 

Về phía các thầy cô giáo, nhiều người cho rằng giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp cũng có những bất lợi nhất định cho các thí sinh sử dụng phương thức này. Tuy nhiên, các thí sinh nên tận dụng mặt tích cực để tăng cơ hội tiếp cận với các trường đại học.

TS Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng - cho rằng: "Theo tôi, có một bất lợi khi các trường đại học giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp là điểm chuẩn bằng phương thức này sẽ cao lên. Tuy nhiên, cùng với đó lại có rất nhiều điểm lợi khi các trường đại học đa dạng hóa phương thức xét tuyển.

Ví dụ một bạn thí sinh kết quả học tập rất tốt, tuy nhiên hôm đi thi tâm lý không tốt khiến điểm không cao như kỳ vọng và nếu dành toàn bộ chỉ tiêu cho phương thức đó thì bạn đánh mất cơ hội vào những trường top đầu. Trong trường hợp này, nếu bạn có học lực tốt, bạn hoàn toàn có thể xét tuyển bằng các phương thức khác để trúng tuyển vào ngôi trường mong muốn".

Mặc dù có nhiều lợi thế, tuy nhiên TS Nguyễn Thanh Bình  Trưởng phòng Chính trị và công tác sinh viên - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) cũng cho rằng về lâu dài các trường vẫn nên ổn định các phương thức tuyển sinh để tạo điều kiện cho các thí sinh dễ theo dõi và lựa chọn được phương thức xét tuyển phù hợp nhất.

This browser does not support the video element.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn