MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo sư, Viện sĩ Ðào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên, Nhi đồng Quốc hội.

Gian lận thi cử: Chuyên gia hiến kế loại bỏ tiêu cực trong thi trắc nghiệm

Nguyễn Hà LDO | 24/07/2018 11:00

Giáo sư, Viện sĩ Ðào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên, Nhi đồng Quốc hội đưa ra ý tưởng loại bỏ những tiêu cực trong làm bài thi trắc nghiệm.

Báo Lao Động có cuộc trao đổi với Giáo sư, Viện sĩ Đào Trọng Thi về vấn đề này.

Ông có nhận xét gì về cách làm bài thi trắc nghiệm theo phương pháp hiện nay chúng ta đang áp dụng? Đâu là lỗ hổng khiến con người có thể tác động làm sai lệch kết quả?

- Chúng ta hiện nay thi trắc nghiệm trên giấy và có một số mã đề thi khác nhau nhưng số lượng không nhiều, chỉ đủ để duy trì việc trong cùng một phòng thi các em không trùng đề với nhau. Các đề thi này đồng thời được sử dụng cho các phòng thi khác và các em sẽ thi cùng ở một thời điểm nếu không đề bài sẽ bị lộ ra ngoài.

Làm trắc nghiệm trên giấy có một khâu là sau khi làm xong sẽ thu bài và vận chuyển bài thi đến hội đồng chấm thi, có nghĩa là có một khoảng thời gian trống và con người có thể tác động và đó.

Chúng ta thi trắc nghiệm nhưng chưa áp dụng triệt để những phương thức khoa học, mà chỉ áp dụng một số khâu của nó. Và nhẽ ra nếu với cách thi vẫn đang làm thì chúng ta cần phải lường trước được công tác giám sát, kiểm soát quá trình coi thi, việc lưu trữ, vận chuyển phải chặt chẽ hơn thì mới hạn chế được tác động của con người vào kết quả thi.

Theo ông, để hạn chế những sai phạm, gian lận có thể xảy ra trong thi trắc nghiệm, chúng ta nên áp dụng phương thức thi như thế nào?

Trong thi trắc nghiệm, nếu chúng ta áp dụng đầy đủ phương thức mà nước ngoài vẫn làm hay như ĐHQG đã triển khai trước đó thì sẽ hạn chế được sự gian lận có thể xảy ra. Có nghĩa là thi trắc nghiệm trên máy tính, mỗi em học sinh khi ngồi trên máy tính, máy tính sẽ tự tạo ra một đề thi ngẫu nhiên trên cơ sở ngân hàng câu hỏi thi. Sau đó học sinh làm trên máy tính, quá trình đó máy tính cũng tự động chấm điểm, làm xong bài thi sẽ có kết quả ngay.

Đề thi ở đây sẽ là đề thi hoàn toàn ngẫu nhiên, như vậy khâu coi thi gần như là không cần, việc chấm thi cũng sẽ được thực hiện ngay trên máy tính, hạn chế sự can thiệp của con người. Nếu chúng ta thực hiện được điều này thì gần như loại trừ tiêu cực trong coi thi và chấm thi.

Chúng ta liệu có đủ máy tính cho một số lượng lớn thí sinh như vậy không thưa ông?

- Thực ra, nếu thi trên máy tính thì không cần phải làm đồng thời, có thể một nhóm làm xong sẽ đến nhóm khác làm. Các đề thi dù khác nhau nhưng các đề này đều đã được chuẩn hóa, độ khó và giá trị điểm của các bài thi sẽ tương đương nhau, đảm bảo công bằng cho các thí sinh.

Rất cảm ơn những chia sẻ của ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn